MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những ngày nghỉ lễ, lượng khách mua hàng đông hơn, công việc của chị Nga cũng vất vả hơn rất nhiều. Ảnh: Thu Thảo.

Không về quê, người lao động làm xuyên nghỉ lễ Quốc khánh

THU THẢO LDO | 31/08/2023 07:20

Dịp lễ Quốc khánh 2.9 năm nay, số ngày nghỉ tối đa của người dân lên đến 4 ngày. Có người lựa chọn về quê thăm gia đình; có người du lịch "xả stress" sau những ngày làm việc mệt mỏi; nhưng cũng có người tiếp tục mưu sinh.

Chấp nhận "bỏ" nghỉ lễ

Sửa soạn quần áo để về quê nghỉ lễ từ ngày 30.8, chị Nguyễn Quỳnh Nga - nhân viên tại một cửa hàng hoa quả tại quận Hà Đông, Hà Nội không đặt được vé xe về Thanh Hóa. Vì vậy, chị quyết định lại Hà Nội, đăng ký làm xuyên kỳ nghỉ lễ để kiếm thêm thu nhập.

Là con cả trong một gia đình làm nông, chị Nga lên Thủ đô làm việc từ năm 19 tuổi để trang trải cho em gái ăn học. Gắn bó với công việc bán hàng được gần 2 năm, chị Nga chia sẻ chị chấp nhận làm thêm ngày, thêm giờ để giảm bớt gánh nặng cho gia đình ở quê. Một tháng làm việc miệt mài, chị nhận về 8 triệu đồng. Hàng tháng, ngoài số tiền phòng, tiền sinh hoạt, chị gửi về cho bố mẹ khoảng 4 triệu đồng.

Một năm, số lần chị về thăm nhà đếm trên đầu ngón tay; vì vậy, chị mong mỏi đến dịp lễ Quốc khánh để có thể về bên gia đình. Nhưng nếu đi làm dịp này, chị sẽ được trả lương cao hơn so với ngày thường nên đành ngậm ngùi gạt đi nỗi nhớ quê hương, đăng ký làm 2 ca/ngày trong dịp lễ.

“Từ Tết đến giờ, tôi chưa về nhà lần nào. Bố mẹ tôi đều khuyên không cần cố mà về quê cho vui cửa vui nhà. Nhớ nhà lắm nhưng vì hoàn cảnh, tôi không biết làm gì khác. Công việc của tôi vẫn như những ngày bình thường nhưng nhận được gấp 4 lần lương. Tôi tranh thủ làm để có thêm một khoản gửi về cho gia đình”, nữ nhân viên bộc bạch.

Cũng giống như Nga, chị Đặng Phương Anh - nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng chấp nhận đi làm dịp nghỉ lễ để nhận gấp 2 lần tiền lương ngày thường. Gia đình và bạn bè chị lên kế hoạch đi du lịch nhưng hầu hết các địa điểm đều quá tải. Không chỉ vậy, chi phí, giá cả cũng đắt đỏ hơn rất nhiều.

Đi làm dịp này, chị Phương Anh nhận mức lương gấp 2 lần ngày thường. Ảnh: Thu Thảo.

Chính vì vậy, chị lựa chọn đi làm và xin nghỉ làm, du lịch sau dịp lễ. “Là sinh viên vừa ra trường, tôi luôn làm việc chăm chỉ, không ngại tăng ca để có cơ hội lên nhân viên chính thức. Đồng thời, ở lại Hà Nội cũng tiết kiệm được khoản tiền mua vé về quê”, chị Phương Anh tâm sự.

Mong mỏi giản dị

Bên cạnh những lao động được tăng lương khi đi làm dịp này, còn có những lao động tự do không có tiền lương, càng không có tiền thưởng. Làm ngày nào biết thu nhập ngày ấy, họ chưa từng nghĩ đến việc nghỉ ngơi.

Công việc của lao động tự do vẫn đều đặn diễn ra từng ngày, thậm chí còn có phần “ế ẩm” hơn vào kỳ nghỉ lễ. Anh Phạm Hoàng Phúc, 25 tuổi, đang sinh sống tại Hà Nội không có khái niệm về nghỉ ngơi hay đi du lịch.

Là lao động tự do làm nghề lắp đặt nội thất, anh Phúc phải làm việc cho đến khi công trình hoàn thiện. Đều đặn mỗi ngày, anh Phúc làm việc từ 7h-18h. Ngoài ra, anh Phúc chạy thêm Grab để kiếm tiền chi tiêu.

Anh Phúc (bên trái) chấp nhận làm nhiều công việc một lúc để có thể trang trải chi tiêu trong gia đình. Ảnh: Thu Thảo.

19h, anh Phúc vẫn lặng lẽ đón khách ở bến xe sau một ngày dài mệt mỏi. Bởi lẽ, anh là trụ cột trong gia đình, bố mẹ đã cao tuổi, vợ ở giai đoạn cuối thai kỳ. Anh chấp nhận đi sớm về khuya để người thân có cuộc sống đủ đầy hơn.

Anh Phúc tâm sự: “Còn sức làm việc thì cố gắng để gia đình được thêm miếng cơm. Tôi không dám nghỉ vì nghỉ ngày nào thì gánh nặng lại chồng chất thêm ngày đó”.

Những lao động chấp nhận làm xuyên dịp lễ như chị Nga, chị Phương Anh và anh Phúc đều có chung một mong mỏi giản dị là được trở về quây quần bên mâm cơm gia đình. Thế nhưng, gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền trên đôi vai khiến họ không cho phép bản thân nghỉ ngơi, tiếp tục lặng lẽ mưu sinh trong ngày lễ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn