MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiến nghị có gói vay trả lãi đa dạng, phù hợp thu nhập của người lao động

Nguyễn Thị Anh Thư (Đoàn viên CĐCS Công ty TNHH NV Apprel - An Giang) LDO | 29/11/2023 16:09

Người lao động chúng tôi vui mừng đến rớt nước mắt khi được tin Công đoàn là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Cũng như phần lớn người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, thời gian qua, công nhân chúng tôi luôn trăn trở về nhà ở. Đặc biệt là mơ ước về nhà ở xã hội có giá phù hợp với mặt bằng thu nhập của đại bộ phận công nhân.

Thực tế cho thấy, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng như chúng tôi, rất khó để tiếp cận với nhà ở. Trong khi đó, nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư cũng còn khoảng cách với chúng tôi về giá cả, và thủ tục…

Chị Nguyễn Thị Anh Thư, đoàn viên Công ty TNHH NV Apprel - An Giang, bày tỏ vui mừng trước thông tin tổ chức Công đoàn là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Ảnh: NVCC

Vì thế, tôi nghĩ rằng khi tổ chức Công đoàn giữ vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư nhà ở xã hội là bước tiến mới, là cơ hội để người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, để hoạt động này mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động, chúng tôi nghĩ, trước khi khởi động dự án, tổ chức Công đoàn với tư cách là cơ quan chủ quản, cần tiến hành khảo sát, điều tra để nắm sát khả năng cũng như nhu cầu khác nhau của người lao động tại từng vùng miền, địa phương, thậm chí là huyện, thị trong từng tỉnh.

Đây sẽ là dữ liệu, là cơ sở để định hình khung nhà phù hợp nhất. Đặc biệt là không nên đồng bộ hóa các thiết kế về quy mô diện tích nhà, chất lượng vật tư, hay xây dựng hoành tráng… Vì điều này dễ dẫn đến tình trạng hai bên khó gặp nhau.

Theo đoàn viên Nguyễn Thị Anh Thư, khi Công đoàn là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là cơ hội để người lao động có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp. Ảnh: NVCC

Dưới góc nhìn của người trong cuộc, chúng tôi đề đạt nguyện vọng là: phải căn cứ theo nhu cầu của từng đặc thù địa phương để định đoạt “khung” nhà ở xã hội. Có được như vậy, vừa tránh được tình trạng người lao động lại rơi vào hoàn cảnh không thể thuê hay mua vì không đủ khả năng chi trả. Và cũng tránh được nạn nhà ở xã hội xây xong khó bán đúng đối tượng.

Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị tổ chức Công đoàn nên tính toán và tham mưu, kiến nghị Chính phủ xem xét và hỗ trợ các gói vay trả lãi đa dạng dài lâu theo mức thu nhập thực tế của người lao động từng địa phương, để lao động có thu nhập thấp có thể vừa trang trải chi phí sinh hoạt chăm lo cho gia đình, vừa có thể an tâm sinh sống trả góp hàng tháng cho ngôi nhà mình đang ở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn