MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Huệ - Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, đề xuất giữ nguyên phương án rút BHXH 1 lần. Ảnh: Phương Ngân

Kiến nghị sớm thông qua Luật mức sống tối thiểu

Phương Ngân LDO | 06/05/2023 08:15

Ngày 5.5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, tổ chức tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động (NLĐ) trên địa bàn quận Bình Tân.

Theo chị Nguyễn Thị Huệ - công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, hiện nay dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đưa ra 2 phương án là cho rút BHXH 1 lần và phương án rút tối đa không quá 50%. Tuy nhiên, đa số NLĐ không đồng tình với phương án cho rút BHXH 50%.

Chị Huệ kiến nghị nên giữ phương án 1 là cho rút BHXH 1 lần, thậm chí không quy định sau 12 tháng mà là sau 3 tháng.

“Suy cho cùng khoản tiền BHXH là nguồn tài sản tích lũy duy nhất của NLĐ sau khi nghỉ việc tại công ty, bây giờ cho rút 50% thì số tiền đó họ không làm gì được gì cả. Số tiền đó họ có thể rút 1 lần ra để hỗ trợ trong thời gian nghỉ việc, có thể kinh doanh hay buôn bán gì đó” - chị Huệ chia sẻ.

Về chế độ hưởng lương hưu, chị Trần Thị Hạnh - công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam - kiến nghị Đại biểu Quốc hội có ý kiến về quy định trường hợp NLĐ đã tham gia BHXH được 20 năm mà chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại thời điểm đó, nếu có nguyện vọng thì được lập thủ tục để hưởng lương hưu.

Theo ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, công nhân, lao động rất quan tâm đến Luật BHXH, nhất là vấn đề rút BHXH 1 lần. Ông Hải cho rằng, mức lương hưu hiện nay rất thấp nên khó thu hút NLĐ. Ông Hải dẫn chứng một trường hợp, sau khi đóng BHXH gần 30 năm, đến khi về hưu chỉ nhận được khoản lương hưu 2,7 triệu đồng/tháng. Như vậy là rất thấp so với mức sống hiện nay.

Trả lời cử tri, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh - cho biết, những ý kiến của NLĐ là những đóng góp mang tính thực tiễn, góp phần điều chỉnh hiệu quả để chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời, cũng là cơ sở để Quốc hội xem xét, xây dựng và thông qua các dự án luật làm cơ sở điều chỉnh chính sách an sinh xã hội hiệu quả.

“NLĐ nếu rút lương hưu sớm cũng không sống được, chúng ta phải xác định mức sống tối thiểu, nhưng hiện nay chúng ta chưa có Luật Mức sống tối thiểu. Chúng ta cần thông qua Luật Mức sống tối thiểu để khi đi làm, NLĐ cũng sống được và khi nghỉ hưu cũng phải sống được, từ đó chúng ta thiết kế được hệ thống an sinh xã hội. Chúng tôi xin ghi nhận các nguyện vọng đó và sẽ kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Mức sống tối thiểu” - ông Nhân nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn