MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân luôn muốn được tăng lương để cải thiện đời sống còn nhiều khó khăn của mình. Trong ảnh: Một nam công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) phải chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Bảo Hân.

Kiến nghị tăng lương tối thiểu từ 1.7: Giảm áp lực cho doanh nghiệp

Bảo Hân LDO | 06/01/2021 11:14
Chuyên gia, cán bộ công đoàn cho rằng, nếu tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7 hàng năm thì sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp khi mà thời điểm đầu năm, doanh nghiệp phải lo rất nhiều khoản chi.

Trong báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị Chính phủ xem xét, sửa quy định, từ năm 2022, việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ 1.7 hàng năm, đảm bảo đồng bộ với thời điểm tăng lương cơ sở khu vực công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực tiễn cho thấy, mỗi khi tăng lương, ít nhiều giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng. Việc tăng lương tối thiểu từ 1.7 vừa hạn chế khó khăn cho doanh nghiệp về tài chính vào dịp Tết Nguyên đán, vừa giảm được một lần tăng giá trong năm, nhất là vào thời điểm giáp Tết.

Trước kiến nghị này, Thông báo Kết luận của Văn phòng Chính phủ mới đây đã giao Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1.7 hàng năm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng được giao việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước Quý II năm 2021.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Tiến – Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phân tích: Nếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1.7 hàng năm thì ưu điểm là không dồn việc tăng lương và điều chỉnh tiền lương vào những đợt đầu năm.

“Thời điểm đầu năm thường gắn với việc tăng lương định kỳ của doanh nghiệp; thưởng Tết (Âm lịch, Dương lịch) cũng dồn vào thời gian này, nên ở góc độ quản lý doanh nghiệp, có thể gây ra áp lực về ngân sách cho doanh nghiệp. Nếu chuyển tăng lương tối thiểu vùng sang tháng 7 hàng năm sẽ kéo dãn ra những điều chỉnh định kỳ liên quan đến ngân sách của doanh nghiệp, giảm áp lực cho doanh nghiệp”- ông Tiến cho biết.

Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu vùng vào thời điểm đầu năm có thể gây ra một tác động xã hội, đẩy chỉ số giá tiêu dùng CPI trùng với đợt Tết.

Ông Tiến cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đã có chủ trương không điều chỉnh tiền lương tối thiểu của năm 2021. “Tuy nhiên, qua thông tin của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP 2020 gần 3%, dự báo 2021 mặc dù còn tiềm ẩn yếu tố khó khăn, song có nhiều sáng sủa, nếu như đợi đến 2022 mới điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thì gây rất nhiều thiệt thòi cho người lao động, nên cần tăng lương tối thiểu vùng sớm - quý 2 hoặc 3.2021... chứ không thể đợi năm 2022 được.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Sinh – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ - cho rằng, thời điểm tăng lương vào tháng 7 hàng năm thì sẽ đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp hơn.

“Vì nếu tăng tháng 1 hàng năm thì sẽ dồn các khoản chi cuối năm, thưởng Tết vào một thời điểm, doanh nghiệp phải lo lượng kinh phí lớn. Giãn cách việc điều chỉnh lương tối thiểu đến tháng 7 thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tốt hơn”- ông Sinh nói.

Bên cạnh đó, ông Sinh cho biết, qua nắm bắt tình hình, khi tăng lương tối thiểu vùng vào 1.1, có một số doanh nghiệp tăng lương tối thiểu vùng thì không tăng lương thường xuyên nữa, trong khi đó, công nhân nhìn nhận vấn đề này chưa được rõ lắm.

“Nhưng nếu giãn cách việc tăng lương tối thiểu từ 1.7 hàng năm, thì đầu năm, các doanh nghiệp vẫn tăng lương thường xuyên cho công nhân, sau đó tháng 7 sẽ tăng lương tối thiểu vùng, công nhân sẽ có lợi hơn”- ông Sinh nói thêm.

Ở góc độ người lao động, ông Sinh cho rằng, thời gian điều chỉnh không có tác động lớn đối với người lao động, miễn là năm nào người lao động cũng được tăng lương tối thiểu vùng để cuộc sống của họ bớt khó khăn hơn.

“Năm 2020, tiền lương, thu nhập của công nhân rất khó khăn; tính theo địa bàn, thu nhập bình quân của người lao động giảm; mức giảm này còn có thể dẫn đến thưởng Tết của công nhân bị giảm. Vì vậy, nếu tháng 7.2021 tăng lương tối thiểu cho công nhân thì sẽ giúp công nhân bù đắp phần nào kinh phí, đỡ đi những khó khăn”- ông Sinh nêu ý kiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn