MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội trình bày ý kiến tại tổ. Ảnh: Bảo Hân

Kiến nghị xem xét hỗ trợ cho người lao động cách ly tại doanh nghiệp

Bảo Hân LDO | 16/07/2021 12:36
Theo Quyết định 2606, công nhân phải nghỉ làm, cách ly tại doanh nghiệp không được hưởng hỗ trợ. Từ thực tế này, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp – Khu chế xuất Hà Nội kiến nghị xem xét hỗ trợ cho đối tượng này.

Sáng 16.7, Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ chín (khoá XII) tiến hành thảo luận tổ.

Tại các tổ, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp-Khu chế xuất Hà Nội đặt ra vấn đề thực tế trong việc triển khai Quyết định 2606 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Ông Toản cho biết, trong thực tế, trường hợp doanh nghiệp có ca F0, phải dừng hoạt động để tiến hành truy vết, khoanh vùng, tổ chức xét nghiệp kéo theo việc công nhân phải nghỉ việc, cách ly ở trong công ty có thể lên đến 14, 15 ngày, nhưng theo quy định của Quyết định 2606, sẽ không được hỗ trợ.

“Những người bị phong toả trong công ty có điều kiện sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng theo quy định thì không được hỗ trợ theo Quyết định 2606. Chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động, như chăn, bánh ngọt, sữa, khăn rửa mặt, bàn chải đánh răng…”- ông Toản nói.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ về việc chi hỗ trợ khẩn cấp trong đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ngày 27.4.

Theo khoản 3, điều 1 của Quyết định 2606, đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.

Về nội dung này, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Thường trực Đoàn Chủ tịch sẽ giải trình, trả lời cụ thể.

Lắng nghe các ý kiến về nhiều nội dung khác của các đại biểu, ông Trần Thanh Hải cho biết thêm, trong dự thảo Chương trình hành động của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02-NQ-TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị đã không dùng 2 từ “kết nạp” và “phát triển” đoàn viên nữa, mà dùng từ “tăng thêm” để nhấn mạnh tính thực tăng đoàn viên công đoàn. Ông Trần Thanh Hải cho rằng, đây là nhiệm vụ vô cùng lớn của nửa nhiệm kỳ còn lại của tổ chức công đoàn, vì vậy, các cấp công đoàn cần phải quyết liệt thực hiện.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong nửa nhiệm kỳ qua, kết quả phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở vượt chỉ tiêu đề ra của cả nhiệm kỳ, tuy nhiên, số lượng đoàn viên tăng thực tế chỉ có 298.972 đoàn viên so với thời điểm đầu nhiệm kỳ, đặc biệt số lượng đoàn viên năm 2020 giảm hơn 185 nghìn so với năm 2019.

Ông Trần Thanh Hải cũng trăn trở, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ ký thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) còn thấp do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. “TƯLĐTT là xương sống của hoạt động công đoàn tại cơ sở, vì vậy, cần tìm ra các giải pháp cụ thể để tăng số lượng và chất lượng. Chất lượng không chỉ thể hiện ở các điều khoản tốt hơn so với quy định của pháp luật, mà quan trọng hơn, là việc thực thi các điều khoản này trong thực tế” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Các đại biểu của các tổ còn đóng góp nhiều ý kiến quan trọng khác. Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hoá nêu lên thực tế, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân lao động đang có tình trạng vi phạm quy định về chế độ chính sách đối với người lao động, nhưng hiện chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Vì vậy, ông đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh tình trạng này.

Nhiều ý kiến khác đóng góp các ý kiến về nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở; vấn đề biên chế cán bộ công đoàn; các giải pháp xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới…

Đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Bảo Hân

Những ý kiến trên được Thường trực Đoàn Chủ tịch tiếp thu và sẽ giải trình cụ thể.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn