MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hoàng Thị Như Thanh - Chủ tịch LĐLĐ TP.Huế - phổ biến Luật Công đoàn cho đại diện các doanh nghiệp nợ kinh phí Công đoàn. Ảnh: PV

Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp trây ỳ nộp kinh phí Công đoàn

PHÚC ĐẠT LDO | 29/11/2019 12:43

Trong 3 quý đầu 2019, có ít nhất 16 Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ TP.Huế chậm trễ, trây ỳ trong việc nộp kinh phí Công đoàn với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng; gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động cũng như hoạt động của tổ chức Công đoàn. Trước tình hình đó, LĐLĐ TP.Huế đang có những hành động mạnh tay để chấn chỉnh tình trạng trên.

Thiếu hiểu biết về luật

Theo số liệu của LĐLĐ TP.Huế, hiện có 16 CĐCS trực thuộc LĐLĐ TP.Huế nợ kinh phí Công đoàn với số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước đó, UBND TP.Huế, LĐLĐ thành phố Huế đã có buổi làm việc với 16 doanh nghiệp nợ kinh phí Công đoàn trên địa bàn vào ngày 8.11. Theo đó, các doanh nghiệp giải thích việc chậm trễ nộp kinh phí Công đoàn là do thiếu hiểu biết pháp luật.

Các doanh nghiệp đã đặt ra những thắc mắc, những câu hỏi như: Tại sao phải nộp kinh phí Công đoàn? Kinh phí Công đoàn sẽ được sử dụng như thế nào? Doanh nghiệp và người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi gì từ việc đóng kinh phí Công đoàn? Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ có phải đóng kinh phí Công đoàn không?

Trước những thắc mắc đó, bà Hoàng Thị Như Thanh - Chủ tịch LĐLĐ TP.Huế - khẳng định, 16 doanh nghiệp trên đều có trách nhiệm đóng kinh phí Công đoàn căn cứ theo Khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

“Theo Điều 27 Luật Công đoàn năm 2012, tài chính Công đoàn được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của Công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống Công đoàn bao gồm các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phát triển đoàn viên Công đoàn, thành lập Công đoàn cơ sở, xây dựng Công đoàn vững mạnh... Vì vậy, những doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm đóng kinh phí Công đoàn là hoàn toàn xác đáng, đúng pháp luật...” - bà Thanh nhấn mạnh.

Kiên quyết xử lý vì lợi ích của người lao động

Sau buổi làm việc, đến 24.11, UBND TP.Huế đã có thông báo số 440/ TB-UBND về việc kết quả làm việc của UBND TP.Huế cùng LĐLĐ thành phố với các doanh nghiệp về việc trích nộp kinh phí Công đoàn. UBND TP.Huế yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện trích nộp kinh phí Công đoàn 2% theo đúng quy định của Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tài chính Công đoàn.

Thời hạn các doanh nghiệp nộp kinh phí Công đoàn về LĐLĐ TP.Huế chậm nhất là ngày 5.12.2019. Sau thời hạn này, nếu doanh nghiệp tiếp tục không thực hiện, UBND TP.Huế sẽ ra quyết định xử phạt hành chính. Đồng thời, UBND thành phố sẽ không cho phép các đơn vị này tham gia đấu thầu các dự án trên địa bàn thành phố; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên, thông tin các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm.

Bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết, việc thu kinh phí Công đoàn gặp khó khăn vì nhiều doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, thua lỗ; người lao động chuyển việc, số lượng người lao động đóng bảo hiểm xã hội còn thấp, nhiều đơn vị không thành lập Công đoàn cơ sở…

“Tuy nhiên, có nhiều đơn vị phát triển tốt, có Công đoàn cơ sở nhưng vẫn cố tình lách luật, trây ỳ việc nộp kinh phí Công đoàn gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đối với những trường hợp này, sau hạn cuối ngày 5.12.2019, LĐLĐ TP.Huế sẽ kết hợp với UBND thành phố tiến hành xử phạt hành chính. Sau khi xử phạt mà doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm thì sẽ củng cố hồ sơ, khởi kiện thu kinh phí Công đoàn theo Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Hướng dẫn số 995/HĐ-TLĐ về Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể” - bà Thanh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn