MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạoTổng LĐLĐVN, lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo LĐLĐ TPHCM và Tổ chức Tài chính vi mô CEP cùng cắt băng khai trương sáng 1.10. Ảnh: L.T

Kiên trì mục tiêu phục vụ người lao động nghèo

LÊ TUYẾT LDO | 02/10/2017 06:20

Sáng 1.10, Quỹ Trợ vốn cho người lao động (NLĐ) nghèo tự tạo việc làm (CEP) thuộc LĐLĐ TPHCM đã chính thức chuyển đổi thành Tổ chức tài chính vi mô CEP sau hơn 25 năm hình thành và phát triển. Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường nhấn mạnh: “Phát huy thế mạnh hơn 25 năm qua, Tổ chức tài chính vi mô CEP cần triển khai hiệu quả hơn những chương trình, sản phẩm, dịch vụ CEP theo đúng chức năng, nhiệm vụ mà lãnh đạo Tổng LĐLĐVN, thành phố, tổ chức CĐ giao phó, đáp ứng sự tin tưởng, trao gửi niềm tin của CNLĐ, đặc biệt là CNLĐ nghèo”.

40.000 thành viên thoát nghèo/năm

“Nhờ có CEP, tôi đã thoát khỏi nạn cho vay nặng lãi, sống thoải mái mà không phải nơm nớp lo sợ bị xiết đồ, đập nhà cửa hoặc cả nhà trốn chui trốn nhủi” - chị Nguyễn Thị Bé - thành viên của CEP, làm việc tại KCX Linh Trung (TPHCM) - chia sẻ.

Với đồng lương công nhân (CN) ít ỏi của hai vợ chồng, trang trải cuộc sống, lo cho hai con ăn học đầy đủ đã quá sức với vợ chồng chị, cho nên khi chồng bị ốm, không có tiền tích lũy, chị đã liều vay nóng với lãi suất 20%/tháng, tức là nếu vay 1 triệu đồng thì mỗi tháng phải trả lãi 200.000 đồng. Chị kể, với khoản vay 5 triệu đồng để trị bệnh cho chồng, mỗi tháng chị phải trả lãi 1 triệu đồng, trả mãi mà tiền gốc vẫn còn.

Một lần chị trình bày câu chuyện với cán bộ CĐ, chị được giới thiệu đến Quỹ CEP để vay 10 triệu đồng. Có 10 triệu đồng, chị trả ngay tiền gốc, số tiền còn lại, chị mua máy may nhận hàng về nhà làm thêm mỗi tối. Với thu nhập tăng thêm từ chiếc máy may, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn, có tiền để dành, con của chị được nhận học bổng của CEP, Quỹ CEP đang xem xét hỗ trợ gia đình chị sửa lại nhà. Chị Bé xúc động: “Quỹ CEP đã đưa gia đình tôi thoát khỏi vòng xoay của tín dụng đen, cuộc sống khá hơn”.

Câu chuyện của gia đình chị Bé cũng giống như câu chuyện của 3 triệu lượt hộ CNLĐ nghèo mà Quỹ CEP đã trợ vốn hơn 25 năm qua. Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Tổng Giám đốc Tổ chức tài chính vi mô CEP - chia sẻ: Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 460 triệu đồng vào năm 1992, đến nay, quỹ đã phát triển được nguồn vốn trên 3.100 tỉ đồng. Tổng số thành viên đang được cung cấp tín dụng nhỏ là trên 316.000 CNLĐ nghèo với tổng dư nợ cho vay trong tay người lao động là 2.971 tỉ đồng.

Trung bình hằng năm có khoảng 40.000 thành viên thoát nghèo và rời khỏi chương trình. Trên 500.000 hộ gia đình nghèo đã được thụ hưởng các dịch vụ phát triển cộng đồng của quỹ. Các chương trình hướng về cộng đồng do quỹ khởi xướng như “Học bổng CEP”, “Mái nhà CEP”… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho CNLĐ.

Xứng đáng là nơi CNLĐ trao gửi niềm tin

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, mục tiêu chuyển đổi mô hình hoạt động của CEP là xây dựng và phát triển CEP thành tổ chức tài chính vi mô tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật; hoạt động tài chính, an toàn, bền vững cũng như tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ cho đoàn viên CĐ, CNLĐ, người có thu nhập thấp, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững với phương châm “Tất cả vì lợi ích cộng đồng”.

Phát biểu tại lễ khai trương, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường cho rằng: Tổ chức Tài chính vi mô CEP trong tiến trình phát triển có triển vọng và khả năng tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động và các sản phẩm dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu rất lớn và đa dạng của CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, CEP cũng gặp khó khăn đó là huy động nguồn vốn, do vậy, trong thời gian tới rất cần được sự quan tâm của các cấp, ngành và tổ chức CĐ hỗ trợ cho sự phát triển hoạt động CEP trong thời gian tới. Chủ tịch Bùi Văn Cường khẳng định, trong những năm tới, Tổng LĐLĐVN, các cấp CĐ TPHCM sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho sự phát triển của Tổ chức Tài chính vi mô CEP.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý thời gian tới, CEP cần kiên trì mục tiêu hoạt động phi lợi nhuận, phát huy giá trị cốt lõi, tận tụy mang đồng vốn đến tận tay NLĐ nghèo, trong đó có đội ngũ CNLĐ. Mục tiêu quan trọng của TPHCM là giảm nghèo đa chiều, chuyển đổi nghề nghiệp cho gia đình nông dân tại vùng có tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng thời tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, CEP cần bám sát thực tế, thông qua tổ chức CĐ TPHCM đề xuất với lãnh đạo TPHCM các giải pháp cụ thể để hỗ trợ nguồn vốn cho NLĐ nghèo nói riêng và người dân nghèo TPHCM sao cho phù hợp, hiệu quả.

Hoạt động chính của CEP sau khi chuyển đổi gồm huy động vốn với hình thức nhận tiền gửi bằng đồng Việt Nam và vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, các cá nhân, tổ chức khác trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại; cấp tín dụng dưới hình thức cho vay. Tổ chức này còn ủy thác, nhận ủy thác cho vay vốn, cung ứng các dịch vụ tư vấn tài chính liên quan đến lĩnh vực tài chính vi mô, cung ứng dịch vụ thu hộ, chi hộ… (Nguồn: Tổ chức Tài chính vi mô CEP)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn