MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Trường Viên và vợ phải sống xa con 9 năm nay. Ảnh: Bảo Hân

Kinh tế eo hẹp, vợ chồng công nhân nhiều năm phải xa con

Bảo Hân LDO | 30/08/2022 12:00
Dù rất muốn ở gần con, nhưng để thích ứng với cuộc sống tha hương với rất nhiều chi phí, nhiều vợ chồng công nhân chọn phương án gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, chấp nhận phải sống xa con nhiều năm...

Con ở cùng, cha mẹ khó tiết kiệm được tiền

Anh Đồng Trọng Khánh (thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) có 2 con (1 cháu năm nay lên lớp mẫu giáo 5 tuổi và 1 cháu học lớp 7) đều được gửi về quê nhờ ông bà ở Thanh Hoá trông nom, chăm sóc.  

“Vợ chồng tôi muốn 2 con ở cùng để chăm sóc, dạy dỗ, nhưng với hoàn cảnh hiện nay của chúng tôi, thì gửi con về quê là lựa chọn phù hợp nhất” - anh Khánh nói. Mỗi tháng, vợ chồng anh Khánh gửi về cho ông bà từ 4-5 triệu đồng để chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.  

Nam công nhân này cho biết, chi phí khi đi học ở quê ít hơn rất nhiều so với ở nơi anh đang thuê trọ. “Đến thời điểm này, lớp các cháu đang theo học chưa tổ chức họp phụ huynh đầu năm nên tôi chưa rõ các khoản phải thu. Nhưng năm ngoái, đầu năm, cháu út khi lên học lớp mầm non 4 tuổi phải đóng số tiền gửi cả năm là 3 triệu đồng (chưa kể tiền ăn). Trong khi đó, ở đây, mỗi tháng gửi cháu phải mất 1,5-2 triệu đồng. Theo như tôi tính toán thì 1 năm gửi các cháu ở quê bằng khoảng 2 tháng ở đây” - anh Khánh nói và cho rằng, nếu 2 cháu ở cùng, vợ chồng anh chắc chắn sẽ không có khoản tiết kiệm nào; thu nhập của 2 vợ chồng có lẽ chỉ vừa đủ cho sinh hoạt của cả gia đình mà thôi.  

Một lý do nữa mà anh Khánh phải gửi con về quê, đó là vợ chồng anh làm ca, nếu đưa các con lên ở cùng thì không có ai chăm sóc, trông nom, đưa con đi học. “Nếu các cháu lên ở cùng thì những hôm đi làm về muộn, vợ chồng tôi buộc phải gửi cháu ở trường lâu hơn, hoặc phải thuê người đón. Như vậy, các khoản chi phí sẽ đội lên nhiều lần, sẽ không có những khoản dành dụm để lo cho cuộc sống sau này” - theo anh Khánh.  

Luân phiên về quê thăm con 

Giống với vợ chồng anh Khánh, vợ chồng anh Nguyễn Trường Viên (thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng gửi con về quê từ nhiều năm nay. Trong căn phòng chật chội, xuống cấp, vợ chồng trẻ này treo rất nhiều ảnh của con, có lẽ là để nguôi đi nỗi nhớ đứa con còn bé bỏng. “Vợ chồng tôi làm công nhân 10 năm nay thì có 9 năm xa con. Khi con mới 1 tuổi, vừa dứt sữa mẹ, chúng tôi đã phải xa con” - anh Viên nói.  

Con anh Viên năm nay lên lớp 5, đang được gửi ở quê, nhờ ông bà chăm sóc. Cứ 2 tuần, vợ chồng công nhân này luân phiên về quê một lần để thăm con. Anh Viên cho rằng, giống như nhiều cặp vợ chồng công nhân khác, đi làm công nhân xa nhà là đi “làm kinh tế”, kiếm tiền để nuôi gia đình, nên nếu để con ở cùng thì sẽ rất tốn kém, không có tiền dành dụm. Ngoài ra, nếu con học ở thành phố sẽ không có ai trông coi, đưa cháu đi học; thuê người thì phải mất thêm một số tiền không nhỏ. Chính vì cuộc sống tạm bợ, không ổn định, nên vợ chồng trẻ này chưa sinh cháu thứ 2, mặc dù rất muốn. “Mới nghĩ đến việc có thêm một cháu nữa, tôi đã thấy… sợ, không biết là sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu thế nào. Mà nếu đẻ thêm con, thì chắc chắn cũng giống cháu đầu, vợ chồng tôi lại phải gửi về quê khi cháu cứng cáp” - anh Viên chia sẻ.  

Hiện nay, thu nhập của anh Viên được 7 triệu đồng/tháng; của vợ là 9 triệu đồng/tháng. Với số thu nhập này, anh chị phải chi rất nhiều khoản: Tiền thuê nhà (khoảng 1,4 triệu đồng/tháng chưa kể tiền điện nước); tiền ăn uống, sinh hoạt; tiền gửi về quê chăm sóc con… “Mỗi tháng, nếu tằn tiện chi tiêu, vợ chồng tôi để ra được khoảng 2-3 triệu đồng. Nhưng nếu đưa cháu lên ở cùng, chắc chắn sẽ nhiều chi phí hơn, sẽ không thể dành dụm cho sau này” - anh Viên chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn