MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh tế khó khăn, công nhân không về quê nghỉ Tết Dương 2023

LƯƠNG HẠNH - ANH THƯ LDO | 02/01/2023 15:33
Nhà xa, trong tài khoản không có nổi 1 triệu đồng, công nhân lựa chọn ở lại phòng trọ thay vì về quê sum họp cùng gia đình dịp nghỉ Tết Dương lịch 2023.

Nghỉ Tết dương lịch 2023, người người hối hả về quê, sum vầy cùng gia đình hoặc đi du lịch đó đây. Còn vợ chồng chị Triệu Thị Mến (ở Tuyên Quang) lại quẩn quanh tại phòng, chưa biết làm gì để "giết" thời gian rảnh.

Làm việc tại một công ty điện tử trong Khu Công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) 2 năm, thu nhập của chị Mến khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Mấy tháng trở lại đây, việc làm ít đi. Mỗi tháng chị chỉ lĩnh về khoảng 6 triệu đồng, cả phụ cấp.

 Vợ chồng chị Mến không về quê nghỉ Tết Dương lịch 2023, ở lại phòng trọ. Ảnh: Thư Hạnh.

Hiện nay, chồng chị Mến ở nhà trông con 8 tháng tuổi. Hết giờ làm, chị Mến sẽ trông con để chồng đi chạy xe ôm công nghệ. Thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống tại Hà Nội.

Năm hết Tết đến, tiền đã gần "cạn", vợ chồng chị Mến không về quê, để dành cho dịp Tết Âm lịch để đỡ tốn kém chi phí đi lại. "Cả năm đi làm, không lẽ về không mang túi quà về cho bố mẹ, các cháu. Nhưng nhìn số dư tài khoản ngân hàng còn chưa đến 1 triệu đồng thì làm sao dám về. Hai vợ chồng tôi quyết định ở lại Hà Nội chờ qua nghỉ lễ", chị Mến ngậm ngùi. 

Được bạn bè giới thiệu, Hoàng Anh Quân (SN 2004, ở Phù Yên, tỉnh Sơn La) xuống Hà Nội xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long được 5 tháng. Thu nhập được khoảng 6 triệu đồng/tháng, Anh Quân gửi về cho gia đình khoảng 3 triệu đồng/tháng, còn lại để chi tiêu. 

"Ra Tết em có giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự nên tranh thủ làm nốt vài tháng rồi xin nghỉ. Em sẽ rất nhớ những trải nghiệm khi làm việc tại đây, vất vả nhưng vui lắm!", nam công nhân nói. 

Trước kia, khi mới tốt nghiệp THPT, Anh Quân bày tỏ nguyện vọng không tiếp tục đi học và muốn được đi làm, gia đình Anh Quân đã phản đối kịch liệt. "Học lực của em không tốt và em cũng không thích học. Bố mẹ em nói không đi học thì sau này sẽ hối hận nhưng em không cố học được, em muốn có trải nghiệm cuộc sống bằng cách tự kiếm tiền", Anh Quân tâm sự.

Dịp Tết Dương lịch, nhiều dãy trọ công nhân đóng cửa im ỉm. Ảnh: Thư Hạnh.

Phòng trọ của anh Nguyễn Vi Đông (SN 1992, ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) nằm ngay cạnh phòng của Quân. Anh Đông làm công nhân tại KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) trọn 4 năm. Thấy những công nhân mới như Quân đến xóm trọ, anh Đông cũng hướng dẫn, giúp đỡ nam công nhân trẻ như người thân trong nhà.

"Mấy anh em ở cạnh nhau, các em cũng chỉ bằng tuổi cháu tôi ở nhà. Nghỉ lễ tôi và mấy đứa không về quê nên có gì nấu ăn cùng với nhau cho đỡ buồn", anh Đông nói.

Công ty anh Đông là một trong những công ty không bị giảm giờ làm, công nhân vẫn làm việc đều đặn một ngày 8 tiếng. Thu nhập trung bình một tháng của anh được trên 7 triệu đồng.

Khi được hỏi số tiền này có đủ để trang trải cuộc sống không, anh Đông lắc đầu: “Biết thế nào là đủ. Mỗi tháng tôi gửi về cho vợ con khoản 3-4 triệu đồng. Vợ tôi ở nhà làm ruộng và chăm hai con nhỏ, một cháu học lớp 1, một cháu 4 tuổi. Riêng tiền học của hai đứa đã tốn gần hết số lương của tôi rồi”, nam công nhân tâm sự.

Cách đây 1 tuần nam công nhân đã về thăm gia đình, do đó dịp Tết Dương lịch này anh quyết định không về, ở lại phòng trọ. "Nghỉ lễ tết đâu phải dành cho mình, tiền kiếm được để dành đến Tết Nguyên đán về một thể", anh Đông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn