MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động trong ngành “Các nền tảng công nghệ”. Ảnh: Lương Hạnh

Kinh tế số bao trùm, lao động giản đơn có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc

Hà Anh LDO | 28/10/2021 11:52

Với mục tiêu tìm kiếm diện mạo của hệ thống quan hệ lao động trước tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) vừa qua, nhóm nghiên cứu của Tổng LĐLĐVN đã tiến hành cuộc khảo sát, đánh giá định tính khái quát cũng như chuyên sâu vào hai ngành: “Dệt may” – đại diện cho các ngành kinh tế truyền thống và “Các nền tảng công nghệ” - đại diện cho các ngành kinh tế số.  

Cuộc khảo sát nhằm thu thập thông tin phục vụ Diễn đàn Đa phương 2021 (MSF 2021) với chủ đề “Hợp tác xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho nền kinh tế số bao trùm tại Việt Nam” là sự kiện được đồng tổ chức bởi Samsung Việt Nam, Tổng LĐLĐVN và các đối tác.

Nữ lao động giản đơn sẽ gặp khó khăn

TS Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, hiện tại đa số máy móc của ngành dệt may vẫn đang ở mức độ CN 2.0 và mới chỉ 10% đạt mức CN 3.0. Do tỉ suất đầu tư cho máy móc công nghệ mới rất cao, trong khi biên lợi nhuận của ngành còn thấp nên việc áp dụng công nghệ sẽ diễn ra từ từ. 

Về tác động CMCN 4.0 tới quan hệ lao động trong ngành dệt may, TS Trần Thị Thanh Hà cho biết, qua nghiên cứu, thời gian tới tỉ lệ lao động giản đơn trong ngành sợi, dệt, nhuộm có thể giảm từ 50-75% và 15-30% trong ngành may mặc trong 10 năm tới. Đồng thời các việc làm ở khâu thiết kế, quản trị chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, lập trình, bảo trì hệ thống máy móc sẽ tăng. Kết quả là tổng việc làm sẽ tăng. 

“Tuy nhiên, NLĐ giản đơn, nữ có con nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn do có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc, đồng thời thiếu thời gian để tham gia các khóa học đào tạo lại và chuyển đổi việc làm” - bà Hà nhận định. 

Lao động nữ trong ngành dệt - may. Ảnh: Quế Chi 

Nhóm nghiên cứu của Tổng LĐLĐVN cho rằng, trong giai đoạn 5-10 năm tới, các doanh nghiệp tiên phong sẽ dịch chuyển sang CMCN 4.0, còn đa số doanh nghiệp của ngành sẽ dịch chuyển sang CMCN 3.0. 

Trọng tâm của quan hệ lao động sẽ là việc tham vấn, thương lượng giữa doanh nghiệp và công đoàn để sắp xếp lại lao động, đào tạo lại, và hỗ trợ cho NLĐ nghỉ việc. Nếu việc tham vấn, thương lượng không được thực hiện hiệu quả, sẽ có rủi ro tranh chấp lao động cá nhân và tập thể. Thương lượng nhóm doanh nghiệp, thương lượng ngành sẽ trở thành công cụ quan hệ lao động chính để đảm bảo hài hòa lợi ích trong quá trình chuyển đổi công nghệ.

Một bộ phận NLĐ sẽ phải đào tạo lại 

Các nền tảng công nghệ là một phần của kinh tế số đã phát triển nhanh ở Việt Nam. Các nền tảng taxi và giao hàng hiện thu hút hơn 1 triệu lao động, trong đó 98% là nam giới, 80% là lao động giản đơn, 1/3 là lao động dưới 34 tuổi và ¼ là lao động trên 55 tuổi.

Khung pháp lý cho nền tảng lao động chưa định hình, các bên còn nhiều bất đồng về việc xác định quan hệ việc làm trong các nền tảng. Tuy nhiên, nếu xét về quan hệ kinh tế và công nghệ, các công ty nền tảng kiểm soát gần như mọi khía cạnh việc làm của các tài xế làm việc trên các ứng dụng trong khi NLĐ gần như không có cơ hội để đối thoại, tham vấn và thương lượng với các nền tảng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ trên các nền tảng, công đoàn sẽ gặp nhiều thách thức, bao gồm việc xây dựng các mô hình công đoàn với cách tiếp cận, thu hút đoàn viên với công nghệ mới thay vì phương pháp truyền thống. 

Ngoài ra, khi các thuật toán ngày càng đóng vai trò lớn trong quản trị nhân sự trên các nền tảng, cách hiểu cũ về đối tác trong quan hệ lao động có thể sẽ phải thay đổi. 

Về diện mạo quan hệ lao động 4.0, bà Trần Thị Thanh Hà nhận định, cùng với sự chuyển đổi công nghệ, tự động hóa, số hóa trong kinh tế truyền thống, một bộ phận NLĐ có thể chuyển sang các ngành mới nổi (như kinh tế nền tảng), một bộ phận NLĐ sẽ phải đào tạo lại để chuyển đổi việc làm, trong khi tỉ trọng lao động kĩ năng bậc cao sẽ tăng lên. Trong khi đó, áp lực của thị trường và công nghệ ngày càng cao, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và giữa các chuỗi cung ứng. 

Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ là đối tác dẫn dắt sự phát triển quan hệ lao động trong CMCN 4.0 nhưng trong nền kinh tế phối hợp, công đoàn và nhà nước đóng vai trò điều chỉnh, hỗ trợ quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực của CMCN 4.0, nhất là với NLĐ.

Quan hệ lao động trong giai đoạn 5-10 năm tới sẽ có sự phân tách theo từng nhóm LĐ và từng ngành với các mô hình công đoàn, mô hình đối thoại – thương lượng phù hợp. Cần phát triển mô hình công đoàn công nghệ để tiếp cận NLĐ trong nền kinh tế số. 

Các phát hiện chính của nhóm nghiên cứu như sau: CMCN 4.0 đã và đang xảy ra với tốc độ và ảnh hưởng không đồng đều tới các ngành, quốc gia và khu vực phụ thuộc mức độ sử dụng công nghệ, kĩ năng lao động và khả năng đầu tư cho các công nghệ mới.

Trái với một số dự đoán tiêu cực về mất việc làm hàng loạt bởi CMCN 4.0, nghiên cứu cho rằng tổng việc làm sẽ không giảm nhiều, nhưng cấu phần lao động theo kỹ năng sẽ thay đổi; nhu cầu lao động kĩ năng cao tăng nhưng đồng thời nhu cầu lao động kĩ năng thấp vẫn duy trì, nhất là trong các ngành chăm sóc sức khỏe, giúp việc nhà, bán lẻ… 

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho lực lượng lao động chuyển đổi trong CMCN 4.0, thời gian đào tạo lại sẽ tăng 3-4 lần so với hiện nay.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn