MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồng hành, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người lao động góp phần khẳng định, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Ảnh: Nguyễn Tùng

Kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở

Nguyễn Tùng LDO | 03/06/2023 07:30
Thực tế hoạt động đã cho thấy, khi cán bộ công đoàn sát sao, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên sẽ giúp tăng thêm niềm tin của công nhân, người lao động vào tổ chức Công đoàn.

Đối thoại, giải tỏa băn khoăn, lo lắng của người lao động

Đầu năm 2022, thời điểm dịch COVID-19 tác động mạnh tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp giày da đã cắt giảm chế độ của người lao động, Công ty TNHH Sản xuất giày Chung Jye (Tuyên Quang) cũng không phải ngoại lệ. Lo bị cắt giảm công việc, một số cá nhân viết giấy tập hợp công nhân, lên kế hoạch đình công.

Nắm được sự việc đó, anh Nguyễn Thế Tùng với tư cách là Chủ tịch Công đoàn công ty đã nhanh chóng họp tổ trưởng công đoàn bộ phận trấn an tâm lí anh, em; phân tích rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình, nhắc nhở công nhân lao động đình công phải hợp pháp, thỏa thuận với người sử dụng lao động bằng thái độ ôn hòa.

“Lúc đó, bên cạnh việc trấn an, động viên anh chị em mình cũng không ngần ngại đề xuất với ban giám đốc khẩn trương đối thoại, giải tỏa băn khoăn, lo lắng cho người lao động. Ngay sau buổi đối thoại, đông đảo công nhân một lòng sẻ chia cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Công nhân cũng cam kết giữ nguyên các quyền lợi và sẵn sàng đối thoại thẳng thắn với công nhân, điều chỉnh mối quan hệ lao động tốt hơn” - anh Tùng kể lại.

Sau sự việc đó, người lao động trong công ty thêm tin tưởng, yêu mến anh Tùng và sẵn sàng chia sẻ, đóng góp ý kiến. Ban giám đốc công ty cũng đánh giá rất cao vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở mà anh Nguyễn Thế Tùng là người đứng đầu đã kịp thời trấn an, phân tích để công nhân người lao động hiểu đúng tình hình thực tế và không có những hành động ảnh hưởng tới sản xuất.

Gắn kết người lao động với tổ chức công đoàn

Với chị Phạm Thị Tình, công nhân may của Công ty TNHH Seshin VN2 (Tuyên Quang) thì sự quan tâm của cán bộ công đoàn cơ sở đã giúp chị vượt qua được những khó khăn khi ngày đầu làm quen công việc. Nghề công nhân may thì chủ yếu phụ nữ, những ai chưa biết việc thì thời gian đầu sẽ rất nản, thậm chí có thể còn không theo được nghề.

Chị Tình kể: “Trăm hay không bằng tay quen, lúc mới được tuyển vào công ty và đang giai đoạn đào tạo việc, vận hành cái máy đã thấy khó khăn, nản lắm. Nhưng lúc đó được cán bộ công đoàn tận tình hướng dẫn còn động viên để thêm quyết tâm gắn bó với công việc, thế rồi cũng qua được giai đoạn đó”.

Tổ chức Công đoàn cũng giống như sợi dây kết nối với công nhân người lao động vậy, sợi dây có chắc thì kết nối mới bền vững. Đó là nhận định của chị Lê Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Seshin VN2. Theo chị Tuyến, quan tâm, lắng nghe, sẵn sàng giúp đỡ anh em công nhân đó là cách hiệu quả để kết nối và gắn bó người lao động với tổ chức Công đoàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ, tổ chức Công đoàn đang từng bước lớn mạnh, thành công đó có sự đóng góp rất lớn của những cán bộ công đoàn cơ sở - họ chính là những mắt xích quan trọng tập hợp, kết nối anh, em, công nhân lao động vào tổ chức. Từ năm 2018 đến nay, các cấp công đoàn đã vận động thành lập được 51 công đoàn cơ sở, kết nạp được 18.200 đoàn viên, nâng tổng số đoàn viên công đoàn toàn tỉnh lên trên 46.000 người.

Tại Tuyên Quang đã có 89% doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở; 94% doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động; 100% cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 94% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đó là những con số thể hiện được vai trò tổ chức Công đoàn trong trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn