MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông bố công nhân tranh thủ giờ nghỉ giữa ca đi đón con. Ảnh: L.TUYẾT

Kỳ 2: Loay hoay xoay xở thời gian

Nhóm PV LDO | 29/08/2017 13:00
Làm tăng ca, làm thêm, lại không có người nhà hỗ trợ khiến CNLĐ rất khó khăn để đưa đón con cái đến trường, chăm con. Đi làm vất vả, mệt mỏi cũng khiến họ có ít thời gian quan tâm, hỗ trợ con cái học tập. Nhiều khi lịch làm thêm với thời giờ học của con “tréo ngoe” khiến họ không thể xoay xở!
Đau đầu cho “khớp” giờ

Chị Mai đang làm công nhân (CN) tại một Cty điện tử trong KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Cty nơi chị Mai làm việc phân ra 3 ca: 6-14h; 14-22h và 22-6h. Chị Mai làm ca 1 và ca 3. Hết 1 tuần liên tục làm đêm, lại đến 1 tuần chị liên tục làm ban ngày. Vì vậy, chị phải tính toán thật kỹ thời gian với chồng để có thời gian đưa đón con và chăm con học hành. Chị đang sống cùng chồng và 2 con, một 2 tuổi và một 4 tuổi tại khu nhà trọ tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Những hôm làm ca đêm, phải đến 6h sáng chị mới được trở về nhà.

Không được nghỉ ngơi, trong tâm trạng mệt mỏi, chị phải lo chuẩn bị bữa ăn cho các con, rồi tất tả đưa các cháu đến trường; rồi sau đó, chị mới ăn sáng rồi ngủ xuyên trưa. Đến chiều, chị lại chuẩn bị bữa ăn tối rồi đón con.

“Do làm ca nên vợ chồng chúng tôi rất “đau đầu” khi phải tính toán hợp lý để đưa, đón con đi học. Có khi không về kịp giờ đón con, phải nhờ cô giáo trông thêm giờ, đồng nghĩa phải chi thêm tiền” - chị Mai than thở. Có lúc, khi chồng đi làm về muộn mà đến giờ chị đi làm, chị đành phải dỗ con ngủ rồi nhờ hàng xóm canh chừng cho giấc ngủ của các con; nếu có việc gì thì gọi điện báo cho anh chị.

Chị Huỳnh Thị Phượng (làm việc tại KCN Sóng Thần, Bình Dương), có con đang lớp 3 ở một trường tiểu học gần KCN. Ban đầu, khi gửi được con vào trường, chị đinh ninh rằng trường gần nơi làm việc sẽ thuận tiện cho chị đưa đón con, thế nhưng vào học rồi, chị mới tá hỏa vì giờ giấc của con và giờ làm việc của chị chênh lệch nhau hơn 1 giờ đồng hồ.

Chị Phương chia sẻ: “Tầm 16h là con tan trường rồi, nếu không tăng ca thì 16h30 tôi mới ra khỏi xưởng, còn không là 18h tôi mới ra khỏi xưởng. Cả hai vợ chồng đều làm CN nên không thể phân công ai đưa đón con được”. Trước đây, khi con học lớp 1, lớp 2, mẹ chồng chị từ ngoài quê vào chăm cháu nên chị không lo lắng đến chuyện đưa đón con, nhưng từ năm học này, mẹ chồng chị về quê để chăm cho một đứa cháu khác thì vợ chồng chị rơi vào… thế bí!

Những tuần đầu tiên con đi học, chị Phương phải lên nói khó với trưởng chuyền cho chị ra sớm để đón con nhưng một vài buổi thì được còn nguyên cả năm học thì có lẽ chị sẽ “được” cho nghỉ việc sớm.

Chị thở dài: “Đa phần đồng nghiệp của tôi gửi con về quê cho bố mẹ chăm, đưa đón đi học. Chồng tôi cũng từng đề nghị phương án đó nhưng tôi thương con, không nỡ xa. Tôi có nghe thông tin là có cô giáo nhận giữ trẻ ngoài giờ học, tức là sau giờ học, cô giáo sẽ đưa các cháu về nhà cô chơi, sau đó bố mẹ tan ca thì đến đón về. Tôi đang tính sẽ chọn phương án đó, chi phí có cao chút cũng đành chấp nhận. Còn nếu chi phí cao quá hoặc tìm không ra cô giáo nào nhận, tôi sẽ phải nghỉ việc ở nhà, tìm công việc khác phù hợp hoặc xin vào làm ở các xưởng may gia công tại nhà, không có BHXH, chế độ phúc lợi không có nhưng mình sẽ có thời gian để đón con”.

Nghỉ việc để lo “cái chữ” cho con

Vợ chồng anh Cầm Văn Nhâm (34 tuổi, quê Sơn La) vừa phải bỏ làm ở một Cty dưới Hải Dương vì không có ai chăm lo cho con học trên quê. Anh Nhâm cho biết: Vợ chồng anh có hai con, con trai năm nay lên lớp 6, con gái lên lớp 3. “Khi chúng tôi đi làm, thu nhập cũng tương đối ổn định để có tiền trả nợ và gửi về nhà nhờ ông bà cho con ăn, học.

Tuy nhiên, sau một thời gian đi làm ở Hải Dương, tình hình học hành của các cháu sa sút nhiều lắm, hơn nữa, cháu trai lớn đang ở tuổi “ẩm ương”, khó bảo; ông bà thì có tuổi rồi, lại vẫn phải đồng ruộng, không có ai đưa cháu đi học (trường cách nhà 3-4 cây số)… Vì thế, chúng tôi quyết định nghỉ làm một thời gian để củng cố việc học hành của các cháu” - anh Nhâm kể.

Khi được hỏi: “Tại sao anh chị không đưa các cháu lên Hải Dương, thuê nhà ở rồi xin cho con đi học. Như vậy, anh chị vẫn vừa có thu nhập, vừa chăm sóc được con?”, anh Nhâm thở dài: “Đâu có dễ như thế? Đúng là thu nhập của chúng tôi có thể thuê được nhà để ở, nhưng việc xin học cho các cháu là cả một vấn đề, vừa khó khăn, vừa tốn kém vì chúng tôi đâu có hộ khẩu ở địa phương. Hơn nữa, cho dù nếu có xin được học ở đó thì cũng làm gì có ai đưa, đón con đi học? Cả hai vợ chồng đều làm ca, rồi tăng ca, tăng kíp thường xuyên… Đường sá ở thành phố lại đông đúc, làm sao các cháu tự đi học, tự lo ăn uống ở nhà được?...”.

Anh Nhâm ước ao, giá như mỗi KCN đều có nhà ở, trường học thì cuộc sống của những người lao động nhập cư như anh đỡ biết bao. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng anh Nhâm không lùi bước. Anh chia sẻ: “Không biết những người khác như thế nào, chứ như vợ chồng tôi, tương lai của các con mới là điều quan trọng nhất. Cuộc sống có thể thiếu thốn, nhưng đảm bảo các con không có nguy cơ thất học do không có sự chăm sóc của bố mẹ…”.

Theo kết quả khảo sát “Tiếng nói NLĐ và câu chuyện sau những giờ làm thêm (2016)” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) tiến hành, tác động tiêu cực của tăng giờ làm thêm lớn nhất là thiếu thời gian chăm sóc, dạy dỗ con cái (46%). Vẫn theo khảo sát này, tăng ca khiến các cặp gia đình CN thiếu thời gian chăm sóc, trò chuyện, dạy dỗ, đưa con đi chơi. Nhiều gia đình phải gửi con về quê cho ông bà nuôi, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo, mờ nhạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn