MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một cuộc ngừng việc tập thể xảy ra tại một Cty may trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) vào tháng 10.2016. Ảnh: QUẾ CHI

Kỳ 2: Vì sao các cuộc ngừng việc tập thể đều không đúng trình tự pháp luật?

QUẾ CHI LDO | 16/05/2017 12:58
Tại cuộc hội thảo mới đây về sửa đổi Bộ luật LĐ do Tổng LĐLĐVN phối hợp với Viện FES tại Việt Nam tổ chức, các đại biểu tham dự cho rằng, một trong những nguyên nhân các cuộc ngừng việc tập thể đều không đúng trình tự pháp luật được chỉ ra là trình tự tổ chức và lãnh đạo đình công còn quá phức tạp. Tuy nhiên, nguyên nhân của thực trạng này có lẽ không chỉ như vậy…

Thủ tục đình công quá phức tạp

Theo quy định tại Bộ luật LĐ hiện hành, trình tự đình công gồm 3 bước: Lấy ý kiến tập thể LĐ; ra quyết định đình công; tiến hành đình công. Trong phần thủ tục lấy ý kiến tập thể LĐ, đối với tập thể LĐ có tổ chức CĐCS thì lấy ý kiến của thành viên Ban Chấp hành CĐCS và tổ trưởng các tổ sản xuất. Nơi chưa có tổ chức CĐCS thì lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của NLĐ. Việc tổ chức lấy ý kiến có thể thực hiện bằng phiếu hoặc chữ ký. Theo quy định, khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với phương án của Ban Chấp hành CĐ đưa ra thì Ban Chấp hành CĐ ra quyết định đình công bằng văn bản. Ít nhất là 5 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, Ban Chấp hành CĐ gửi quyết định đình công cho người sử dụng LĐ, đồng thời gửi 1 bản cho cơ quan quản lý nhà nước về LĐ cấp tỉnh, 1 bản cho CĐ cấp tỉnh.

Luật đã quy định cụ thể như vậy, nhưng trong thực tế, xảy ra nhiều bất cập. Ví dụ như, đối với thủ tục tổ chức lấy ý kiến CN. Luật hiện hành quy định phải lấy ý kiến trên 50% số CN. Theo nhiều ý kiến của cán bộ CĐ, ở những Cty có ít CN thì còn dễ, nhưng ở những Cty có số lượng CN lên tới hàng nghìn thì nếu lấy ý kiến sẽ rất mất thời gian. Trong khi đó, tình hình lúc đó thường là đang “sôi sùng sục” rồi, CN khó có thể chờ lâu.

Tại cuộc hội thảo nói trên, theo tính toán của một đại biểu tham dự, một cuộc đình công chính thức do CĐ lãnh đạo, trải qua các trình tự thủ tục thì mất từ 21-23 ngày. Trong đó, theo quy định, thời hạn báo trước một cuộc đình công ít nhất là 5 ngày. Theo các ý kiến, quy định về thời gian trên là không hợp lý, không phù hợp với thực tế, xét trong bối cảnh sự bức xúc của NLĐ đang rất “nóng bỏng”, cần được giải quyết ngay để bớt căng thẳng, đưa mọi việc trở lại bình thường.

Nhiều cán bộ CĐCS phụ thuộc người sử dụng LĐ

Theo quy định tại Điều 210 Bộ luật LĐ hiện hành về tổ chức và lãnh đạo đình công, thì ở nơi có tổ chức CĐCS, đình công phải do Ban Chấp hành CĐCS tổ chức và lãnh đạo; ở nơi chưa có tổ chức CĐCS thì đình công do tổ chức CĐ cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của NLĐ. Trên thực tế, hiện nay, rất khó để một CĐCS đứng ra tổ chức và lãnh đạo một cuộc đình công. Theo ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bắc Giang - cán bộ CĐCS là những người kiêm nhiệm nên không thể mạnh dạn đấu tranh cho quyền lợi của NLĐ nếu có xung đột xảy ra.

Một chủ tịch CĐCS DN FDI ở tỉnh Phú Thọ (tại DN này đã từng xảy ra ngừng việc tập thể) cho biết, thường khi CN có bức xúc trước quyền, lợi ích, CĐCS sẽ nắm bắt nguyện vọng, yêu sách của CN, tập hợp lại để gửi lên chủ DN xem xét, giải quyết. Đồng thời, CĐCS cũng mời đại diện NLĐ lên để cùng giải quyết vụ việc. Mục đích là để hai bên tìm ra được giải pháp chấp nhận được, tránh một cuộc ngừng việc xảy ra, thiệt hại cho cả hai bên. Có thể nói, như vậy CĐCS là “cầu nối” giữa chủ sử dụng LĐ và NLĐ để giải quyết những vụ việc nảy sinh, nhất là trong trường hợp có tranh chấp LĐ, ngừng việc tập thể.

Báo cáo khảo sát tình hình ngừng việc, đình công tại Việt Nam 2013-2016 do Ban QHLĐ Tổng LĐLĐVN tiến hành đã đưa ra nhận định, cán bộ CĐCS hầu hết kiêm nhiệm, phụ thuộc người sử dụng LĐ. Hơn nữa, cán bộ CĐCS hầu hết là nhân sự cấp trung nên ít được NLĐ tin tưởng.

Theo bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện CN CĐ (Tổng LĐLĐVN) - hiện nay, ở nhiều CĐCS, cơ cấu của BCH CĐ có nhiều người tham gia là quản lý cấp trung, vì vậy NLĐ sẽ không tin tưởng CĐ. “Khi chúng tôi đi hỏi ý kiến NLĐ, họ đều nói, nếu đại diện cho họ thì phải cùng cảnh ngộ, cùng gặp những vấn đề như họ thì họ mới tin tưởng” - bà Lan cho biết.

Kỳ cuối: Làm thế nào để đình công có thể hợp pháp?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn