MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Nguyễn Thị Huế (Công ty May Hưng Yên) đưa con đến trường. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Kỳ cuối: Bao giờ yên tâm “kiếm chữ” cho con?

QUẾ CHI - KIM ANH LDO | 30/08/2017 06:15
Bên cạnh các trường mầm non “truyền thống” (Nhà nước hoặc tư nhân xây dựng), hiện nay, tổ chức CĐ cũng như nhiều DN đã đầu tư, xây dựng trường học để lo cho con của CNLĐ trong chính Cty của mình. Tuy nhiên, những điểm sáng đó chưa thể che lấp được thực tế: CNLĐ và con của họ tại các KCN vẫn gặp khó khăn, thiếu thốn đủ bề khi “mưu cầu” cái chữ.

Cùng chăm lo đến con em công nhân

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 12 DN đầu tư 12 cơ sở giáo dục mầm non và nhận nuôi dạy 2.379 trẻ. Một số Cty đã xây nhà trẻ, hỗ trợ 100% tiền thuê giáo viên và tiền ăn uống cho các cháu.

Tại tỉnh Thanh Hóa, một số DN đã xây dựng nhà trẻ cho chính con CNLĐ của DN. Giáo viên tại các nhà trẻ này do Cty phối hợp với Phòng giáo dục để tuyển vào và đảm bảo đủ các tiêu chuẩn của Bộ GDĐT đề ra với giáo viên mầm non; toàn bộ học phí của các cháu là do Cty chi trả.

Còn tại TP.Hải Phòng, mô hình nhà trẻ, mẫu giáo đã được thí điểm xây dựng tại một số DN. Có nhà trẻ của DN nhận con của CNLĐ từ 1,5 tuổi đến 5 tuổi với điều kiện CNLĐ đã làm việc tại Cty từ 3 năm trở lên; hay có Cty đầu tư cơ sở vật chất cho trường mầm non do địa phương quản lý và khuyến khích công nhân gửi con tại đây; ngoài ra cũng có một số Cty dự kiến xây nhà trẻ cho CNLĐ hoặc hỗ trợ tiền cho những CNLĐ có con trong độ tuổi gửi trẻ.

Đối với tổ chức CĐ, nhiều CĐCS đã vận động DN hỗ trợ chi phí gửi trẻ cho CNLĐ; chủ động tham mưu, xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ. Hiện nay, việc Tổng LĐLĐVN xây dựng thiết chế CĐ, trong đó quan tâm dành quỹ đất hoặc phòng học, địa điểm thuận lợi để hỗ trợ việc thành lập nhà trẻ, mẫu giáo dành cho con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi…

Trong Đề án này có một chính sách “mở”: Ban Quản lý các thiết chế đó có thể phối hợp với ngành giáo dục hoặc vận động các cá nhân có điều kiện mở trường học. Học phí theo quy định của Ban Quản lý và phù hợp với điều kiện sống của NLĐ. Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn và hết sức cần thiết thể hiện sự chăm lo toàn diện, thực hiện chức năng của tổ chức CĐ.

Nhu cầu vẫn còn quá lớn

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đã có sự quan tâm của tổ chức CĐ, một số DN, nhưng số lượng nhà trẻ, trường học trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng lớn của con CNLĐ trong các KCN. Hơn nữa, với mức lương còm cõi, những gia đình CNLĐ trẻ và con của họ không những phải sống bấp bênh trong các căn nhà trọ và còn phải bấp bênh lo lắng về việc học của con. Nguy cơ thất học của một bộ phận con CNLĐ trong các KCN là có thật. Hiện, mức lương tối thiểu vùng đối với lao động vùng I là 3.750.000 đồng/tháng; vùng II là 3.320.000 đồng/tháng; vùng III là 2.900.000 đồng/tháng và lao động vùng IV là 2.580.000 đồng/tháng.

Vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu “chốt” mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng 6,5% so với năm 2017. Cụ thể: Vùng I tăng 230.000 đồng; vùng II tăng 210.000 đồng; vùng III tăng 190.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng so với năm 2017. Với mức lương như trên, rõ ràng, CNLĐ chưa đủ sống, nhất là khi còn phải nuôi con cái ăn học nơi “đất khách quê người” với rất nhiều chi phí.

Theo khảo sát của LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, lao động nữ làm việc tại các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có độ tuổi chủ yếu từ 18- 40, do đang trong độ tuổi sinh đẻ nên nhu cầu gửi trẻ mẫu giáo là rất lớn, trong khi đó hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo tại KCN chưa được quan tâm đúng mức. Bà Nguyễn Thị Ngân - Trưởng ban Nữ công, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh - cho biết, thực tế việc gửi con ở các nhà trẻ công lập tương đối khó khăn do CNLĐ làm việc tại KCN trên địa bàn có 70% là lao động nhập cư, thu nhập không cao, cơ sở vật chất của nhà trẻ công lập cũng có hạn chế nên không có khả năng nhận hết các cháu.

“Vì vậy một số lớn CNLĐ phải gửi con ở các nhà trẻ tư nhân hoặc các nhóm trẻ cơ sở mầm non tư thục với điều kiện sinh hoạt và vui chơi không đảm bảo, nhiều nhóm trẻ không có giường, các cháu phải ngủ dưới đất, không có không gian để chơi, đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ học tập rất hạn chế và giá tiền gửi trẻ trung bình từ 800.000-1.200.000 đồng/cháu/tháng” - bà Ngân cho biết.

Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ LĐTBXH vào năm 2015 tại ba địa phương Bắc Ninh, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu tiếp cận dịch vụ giáo dục đối với lao động di cư (bao gồm cả nữ) là khá lớn. Khảo sát chỉ ra tỉ lệ khá cao lao động di cư (47,4%) và lao động địa phương (32%) có nhu cầu tiếp cận giáo dục cơ bản cho con em họ do đã đến tuổi phải đi học (gửi trẻ, giáo dục phổ thông các cấp) theo quy định.

Việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ giáo dục (từ nhà trẻ, mẫu giáo đến các cấp học văn hóa) của NLĐ (đặc biệt là lao động di cư) đang gặp phải những rào cản về kinh tế, về cơ sở hạ tầng, gây thêm những khó khăn trong cuộc sống của họ.

Lao động nữ di cư còn gặp phải tất cả các loại khó khăn (rào cản hạn chế về kinh tế khi cho con đến trường chiếm tỉ lệ cao nhất tới 35,8%); khó khăn về không có người đưa đón con (30,8%); 12,5% số lao động nữ di cư gặp phải khó khăn về thủ tục hành chính; 20,8% gặp khó khăn vì trường lớp ở quá xa chỗ ở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn