MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TƯLĐTT cần phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đa số CNLĐ trong doanh nghiệp. Trong ảnh là người lao động tại một Cty may trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian làm việc. Ảnh: QUẾ CHI

Ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể: Tăng cường lấy ý kiến của tập thể CNLĐ

QUẾ CHI LDO | 17/10/2018 06:50

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được xem là cơ sở pháp lý, công cụ quan trọng góp phần hạn chế những bức xúc phát sinh giữa người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp (DN), bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy vậy, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều TƯLĐTT có nội dung chưa thực sự có lợi cho NLĐ. Để khắc phục tình trạng này, cần nhiều giải pháp, trong đó cần làm tốt công tác lấy ý kiến tập thể của NLĐ để TƯLĐTT thực sự phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của đa số NLĐ trong DN.

Nội dung chủ yếu tập trung vào các khoản phúc lợi

Theo LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 376/463 DN có tổ chức CĐ đã thương lượng, ký kết, bổ sung các điều khoản TƯLĐTT, đạt 81,2%. Mới đây, LĐLĐ tỉnh rà soát, đánh giá và theo đó gần 80% số thỏa ước có từ 3-5 nội dung có lợi cho NLĐ nằm ngoài các quy định bắt buộc. Tuy vậy, theo LĐLĐ tỉnh, vẫn còn tình trạng DN có thỏa ước chỉ để đối phó với cơ quan chức năng với nhiều nội dung chung chung, sao chép một số quy định bắt buộc của pháp luật lao động; những nội dung có lợi vẫn chủ yếu về chế độ phúc lợi; còn vấn đề tiền lương, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi… ít được quan tâm.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến tháng 9.2018, số TƯLĐTT còn hiệu lực là 97/119, đạt tỉ lệ 81,5%, trong đó 100% số lượng TƯLĐTT có 2 điều khoản có lợi hơn so với quy định của pháp luật. Tuy vậy, ngoài một số bản đạt chất lượng cao được xếp loại A, B, vẫn còn nhiều bản đạt kết quả chưa tốt, nội dung chủ yếu tập trung vào các khoản phúc lợi như hỗ trợ ma chay, hiếu hỷ, sinh nhật, ốm đau... TƯLĐTT phần nào vẫn mang hình thức đối phó, chưa thương lượng thực sự, nội dung chưa thực sự có lợi cho NLĐ.

Còn theo LĐLĐ TP.Đà Nẵng, vẫn còn những bản TƯLĐTT mang tính hình thức và chưa thực chất. Thực trạng hiện nay về TƯLĐTT đang tồn tại “4 cái không thật”, đó là: Đối tác không thật - thương lượng không thật - nội dung không thật - thực hiện không thật.

Xây dựng lòng tin của người lao động

Để khắc phục tình trạng trên, một trong những giải pháp là cần tăng cường công tác thu thập ý kiến của NLĐ để xây dựng TƯLĐTT. LĐLĐ TP.Hải Phòng cho rằng, để thực hiện công tác này, đại diện thương lượng của bên tập thể lao động lấy ý kiến trực tiếp của tập thể lao động hoặc gián tiếp thông qua hội nghị đại biểu của NLĐ về đề xuất của NLĐ với người sử dụng lao động và các đề xuất của người sử dụng lao động đối với tập thể lao động. Đây là một quá trình tất yếu để xây dựng lòng tin của NLĐ đối với các đại diện CĐ và khiến cho NLĐ thực sự cảm thấy quá trình thương lượng tập thể là nhằm phục vụ lợi ích của họ.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác này, đại diện CĐ Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cho biết, cách làm của CĐ Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam là thông qua các cuộc gặp gỡ các lực lượng nòng cốt, tổ trưởng CĐ, tổ dư luận xã hội của Đảng, tổ hòa giải để nắm bắt tình hình tư tưởng của NLĐ, qua đó, CĐ đã xây dựng được hệ thống thông tin đa chiều với nhiều hình thức, phương pháp nhằm tiếp thu các ý kiến, mong muốn từ NLĐ, như phỏng vấn lấy ý kiến hằng ngày tại nơi làm việc, họp mặt tọa đàm hằng tuần với đại diện NLĐ các bộ phận... Đây là nguồn thông tin sát thực với đời thường của NLĐ nên nắm chắc được thông tin chính xác và kịp thời giải quyết đã hạn chế rất lớn việc phản ứng tập thể.

Theo LĐLĐ TP.Đà Nẵng, tùy theo số lượng NLĐ, điều kiện cơ sở vật chất và thời gian có thể để tổ chức lấy ý kiến của tập thể NLĐ bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đại hội công nhân viên chức, hội nghị NLĐ hoặc lấy ý kiến bằng các hình thức khác như phiếu hỏi ý kiến, hòm thư, email, mạng xã hội… Để đảm bảo chất lượng việc lấy ý kiến, người chủ trì lấy ý kiến cần chuẩn bị kỹ nội dung, phương pháp truyền đạt, cử thư ký ghi kết quả và tổng hợp ý kiến, việc lấy ý kiến tập thể NLĐ phải lập biên bản, đảm bảo trên 50% số NLĐ tại DN đồng ý. Kết quả lấy ý kiến của tập thể NLĐ được thông báo lại cho NLĐ biết trước khi tổ chức đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn