MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Thái Thị Lan Chi (giữa), Chủ tịch LĐLĐ Quận Tân Bình đại diện ký thỏa ước lao động tập thể với 4 doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn quận. Ảnh Đức Long

Ký thỏa ước lao động tập thể nhóm ngành dệt may

Nam Dương LDO | 01/09/2020 14:22

850 lao động tại 4 doanh nghiệp ngành dệt may sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ thỏa ước lao động tập thể cấp quận.

Ngày 1.9, LĐLĐ TPHCM đã tổ chức Lễ ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp ngành dệt may trên địa bàn Quận Tân Bình với sự tham gia của 4 doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH may mặc G&G II, Công ty TNHH may Đại Hồng Thái, Công ty TNHH Dệt may Nguyên Dung và Công ty TNHH SXTM Trương Vui với tổng cộng 850 lao động.

Theo thỏa ước này, có 11 điểm có lợi cho người lao động làm việc trong 4 doanh nghiệp trên, như hàng năm, doanh nghiệp thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động có thời gian làm việc từ đủ 12 tháng trở lên, với mức thưởng ít nhất là 1 tháng tiền lương theo HĐLĐ; thưởng sáng kiến, thi đua, năng suất cho lao động có sáng kiến, năng suất cao.

Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TPHCM và Quận Tân Bình chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp tại lễ ký thỏa ước lao động tập thể. Ảnh Đức Long

Doanh nghiệp cung cấp bữa ăn ca cho người lao động với giá ít nhất từ 17.000 đồng/người/bữa, bữa ăn ca phải thay đổi món hằng ngày, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm; tái ký HĐLĐ khi HĐLĐ hết hạn đối với lao động nữ trong thời gian mang thai nếu chấp hành tốt nội quy lao động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp dành thời gian để người lao động nâng cao kiến thức pháp luật; hằng năm, doanh nghiệp tổ chức cho người lao động tham quan, du lịch.

Về phía người lao động phải chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, HĐLĐ, nội quy, quy chế, các văn bản quy định nội bộ của doanh nghiệp và thỏa ước lao động tập thể nhóm; tích cực tham gia các phong trào thi đua, tăng năng suất lao động, giảm chi phí của doanh nghiệp; không đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật để chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp ký kết thỏa ước nhóm.

Đây là một phần trong Chương trình thí điểm Dự án “Thúc đẩy đối thoại - Thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể” tại TPHCM được ký giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Công đoàn Hà Lan và được sự chỉ đạo của LĐLĐ thành phố trong việc tham gia thực hiện thí điểm Dự án “Thúc đẩy đối thoại tại nơi làm việc và thương lượng hiệu quả trong ngành dệt may”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn