MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm việc làm tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh.

Kỳ vọng mô hình dự báo cung - cầu lao động

QUỲNH CHI LDO | 26/05/2023 18:04

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua dự án Hệ sinh thái năng suất lao động (PE4DW), Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đang nghiên cứu, xây dựng mô hình dự báo cung - cầu lao động phù hợp cho Việt Nam với mục tiêu cung cấp thông tin thị trường lao động kịp thời, chi tiết.

Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ ngành...

Thậm chí các trường học, doanh nghiệp, cũng có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung - cầu lao động. Tuy nhiên, các báo cáo này chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp.

Mô hình dự báo cung - cầu lao động theo cách tiếp cận mới dự kiến áp dụng từ năm 2025, giúp giải quyết vấn đề bất cân đối trên thị trường lao động hiện tại. Chương trình sẽ phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu lao động cục bộ; thảo luận giải pháp khắc phục, tập trung vào giải pháp phân tích và dự báo cung - cầu lao động.

Dự báo thị trường được xem là chìa khóa giúp tháo gỡ tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động nhờ cung cấp thông tin kịp thời. Mô hình sẽ giúp người lao động, người sử dụng lao động, các cơ sở đào tạo... điều chỉnh kế hoạch và có giải pháp hiệu quả nhất.

Theo ông Phạm Ngọc Toàn - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, ngoài tình trạng mất cân đối về số lượng (tức nơi thừa - nơi thiếu lao động) hiện nay, thị trường còn xuất hiện tình trạng mất cân đối về mặt trình độ (lao động được đào tạo ở trình độ này nhưng thị trường có nhu cầu ở trình độ khác), kỹ năng, về độ tuổi... Sự mất cân đối diễn ra trên cùng một địa bàn dẫn đến nguồn cung lao động dù thừa nhưng doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân sự.

"Lao động muốn tìm việc nhưng thấy người tìm việc lớn hơn nhu cầu sẽ chán nản. Lao động không tham gia thị trường chính thức, xuất hiện tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần dẫn đến mất bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, việc mất cân đối cung cầu lao động là vấn đề cấp bách cần giải quyết ngay", ông Toàn nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn