MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kỳ vọng tăng lương tối thiểu vùng trong lần điều chỉnh sắp tới

Mạnh Cường LDO | 11/03/2023 06:02

Từ ngày 1.7.2022, mức lương tối thiểu vùng tăng 6% theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Vậy mức tăng này có đảm bảo mức sống cho người lao động hay không và kỳ vọng của người lao động như thế nào trong lần điều chỉnh sắp tới?

Vừa qua, trong cuộc làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng về đánh giá, xác định và công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình người lao động để làm cơ sở Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hằng năm…

Qua ghi nhận, mức lương tối thiểu vùng hiện nay không thể giúp công nhân sống dư dả. Họ kỳ vọng được điều chỉnh tăng lương trong thời gian tới.

Chị Nguyễn Thị Thu (26 tuổi) - công nhân tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cho rằng - với mức tăng tối thiểu vùng như hiện tại chỉ đảm bảo mức sống cơ bản chứ không có tích lũy.

Chị Thu cho rằng mức tăng lương tối thiểu tại vùng III hiện vẫn rất thấp, không đủ sống nếu gia đình có 4 thành viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Những lúc công ty ít việc, chỉ Thu làm hành chính 8 tiếng/ngày nên chỉ hưởng lương cơ bản và một số phụ cấp kèm theo khiến cuộc sống phải dè dặt hơn.

Có 2 người con, sắp tới lại sinh thêm bé, chị Thu cho biết, nếu công ty không tăng ca, mức lương cơ bản như hiện tại thực sự quá ít.

Đợt trước Tết Nguyên đán năm 2023, công ty chị Thu có ít đơn hàng nên làm việc giờ hành chính. Tổng thu nhập không có tăng ca của nữ công nhân chưa đến 6 triệu đồng/tháng.

Dự kiến tháng 9.2023 sinh thêm bé thứ ba nên chị Thu mong mức lương tối thiểu vùng tăng lên trên 4 triệu đồng/tháng. Như vậy, chị Thu sẽ được hưởng trợ cấp thai sản và phụ cấp nhiều hơn, đỡ đần chồng lúc ở nhà sinh và nuôi con.

Chị Nguyễn Thị Tâm - làm việc tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ - mức lương tối thiểu vùng của chị hiện là 4.680.000 đồng/tháng. Để đủ tiền nuôi con nhỏ, chị Tâm phải nhận thêm công việc bên ngoài nhằm cải thiện thu nhập. 

Mức tăng lương tối thiểu có tăng từ tháng 7.2022 nhưng chị Tâm vẫn không đủ nuôi sống gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu không có chồng hỗ trợ, chị Tâm rất khó để gánh vác kinh tế khi mọi thứ càng ngày càng đắt đỏ.

Thời gian tới, chị Tâm mong muốn lương tối thiểu vùng có thể tăng lên trên 5 triệu đồng/tháng. Bởi có như thế, tổng lương của chị mới giúp cuộc sống dễ thở hơn chút.

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

Chị Hà Thị Cẩm Lệ (28 tuổi) - trợ lý Giám đốc tại quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết - mức lương tối thiểu vùng hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống vì lương của chị Lệ tăng hay giảm phụ thuộc vào năng lực, hiệu quả công việc khi làm thực tế.

Hiện tại chị Lệ vẫn còn độc thân, chưa có nhiều gánh nặng như những người đã lập gia đình. Mức lương hiện 12 triệu đồng/tháng khiến chị có thể sống một cách thoải mái.

Nói về kỳ vọng tăng lương tối thiểu sắp tới, chị Lệ mong muốn tăng ở mức trung bình, tối đa 10%. 

Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay cao nhất là 4.680.000 đồng/tháng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; thấp nhất là 3.250.000 đồng/tháng với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn