MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trương Thanh Thúy - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Nguyên Anh

Kỳ vọng vào 3 khâu đột phá ở Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

Trương Thanh Thúy - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang LDO | 29/11/2023 09:29

Với vai trò Trưởng đoàn đại biểu Công đoàn tỉnh Kiên Giang, bà Trương Thanh Thúy - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - thay mặt Đoàn đại biểu Công đoàn tỉnh gửi gắm những tâm tư, kỳ vọng của đại biểu cũng như của đoàn viên, người lao động trong tỉnh đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Với vai trò là trưởng đoàn đại biểu, tôi tin tưởng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” sẽ có nhiều quyết sách mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa việc đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từ những đột phá đó, Công đoàn Việt Nam sẽ vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.

Thực tế tại Kiên Giang, tuy hoạt động Công đoàn đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng chúng ta không khỏi băn khoăn, trăn trở khi trình độ, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật của một số đoàn viên, người lao động còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận người lao động thiếu việc làm, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và tranh chấp lao động diễn biến phức tạp. Đời sống đoàn viên, người lao động gặp không ít khó khăn, đa số vẫn phải tự thuê nhà với diện tích chật hẹp, an ninh, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường không bảo đảm, thiếu thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh đó, đổi mới hoạt động Công đoàn ở một số loại hình Công đoàn cơ sở chưa theo kịp sự chuyển động của cơ chế thị trường. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nắm bắt tư tưởng đoàn viên, tổ chức phong trào thi đua, thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động ở một số doanh nghiệp ít được chú trọng.

Bà Trương Thanh Thuý - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang - thăm, tặng quà cho công nhân lao động. Ảnh: Nguyên Anh

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một bộ phận cán bộ Công đoàn hạn chế về năng lực, thiếu kỹ năng xử lý vấn đề thực tế phát sinh. Công tác tham gia quản lý, tham mưu với cấp ủy, phối hợp công tác với các cấp, ngành, địa phương, người sử dụng lao động và giám sát, phản biện xã hội có lúc còn thụ động, chưa kịp thời.

Mặt khác, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ nhiều cam kết quốc tế đã ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với những ràng buộc chặt chẽ về lao động, về việc được phép thành lập tổ chức đại diện khác của người lao động hoạt động bên cạnh tổ chức Công đoàn Việt Nam trong doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi phải có sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó, có tổ chức Công đoàn và vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân.

Ở đại hội lần này, tôi rất kỳ vọng vào 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới đó là: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Xây dựng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là Chủ tịch Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Mong rằng những nội dung này, sẽ được cụ thể hóa và sớm triển khai trong toàn quốc nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn