MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: QUOCHOI.VN

Làm 44 giờ/tuần: Áp dụng công nghệ cao, năng suất lao động sẽ tăng

CAO NGUYÊN - ĐẶNG CHUNG LDO | 31/10/2019 17:17

Trong thời đại công nghệ 4.0, việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao, máy móc hiện đại vào sản xuất là điều dễ hiểu và cần thiết. Chính vì vậy, đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ.

Ngoài ra, theo nhiều ĐBQH, sự chênh lệch lớn về giờ làm việc giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực ngoài nhà nước (48 giờ/tuần) tạo sự bất bình đẳng giữa các lực lượng lao động.

Áp dụng công nghệ cao, năng suất lao động sẽ tăng

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, 48 ĐBQH tham gia thảo luận và 6 đại biểu tham gia tranh luận. Vấn đề giảm thời gian làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình ủng hộ.

Trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Văn Được (đoàn đại biểu Hà Nội) cho rằng, việc giảm giờ làm việc là xu hướng tất yếu của thế giới. Trong thời đại hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ là rất cần thiết. Các công ty, doanh nghiệp nên áp dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại để tăng năng suất lao động chứ không nên tập trung dùng sức lao động quá nhiều.

“Trang bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao thì lúc đó chỉ cần người quản lý giỏi, nhân viên giỏi để điều hành máy móc chứ không cần quá nhiều sức lao động. Không những thế, khi áp dụng nhiều máy móc, người lao động (NLĐ) có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc gia đình, con cái và có thời gian để trau dồi kiến thức” - ông Được nói thêm.

Ủng hộ việc giảm giờ làm việc mục đích để tăng năng suất lao động, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.Hồ Chí Minh) - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này nên đưa vào đề xuất giảm giờ làm cho NLĐ. Về quan điểm cá nhân, đại biểu Châu cho hay, bà ủng hộ việc giảm giờ làm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần cho NLĐ vì nội dung này thể hiện sự tiến bộ.

“Nhìn ở góc độ NLĐ, chúng ta đang xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn thì NLĐ không thể cứ bỏ sức lao động ra quá nhiều mà năng suất lao động không cao, hiệu quả lao động thì chưa có cơ sở để đánh giá. Vì vậy, dự án Bộ luật Lao động lần này nên sửa đổi theo hướng giảm giờ làm, để NLĐ có điều kiện chăm sóc gia đình, vừa tái tạo sức lao động, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh về khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động” - bà Châu nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo xem xét làm thế nào để dung hoà được các quan điểm này với nhau. Đây là việc làm vừa mang tính nhân văn, vừa thể hiện được sự quan tâm của Quốc hội đối với NLĐ. “So sánh giữa cán bộ, công chức nhà nước với doanh nghiệp thì hoàn toàn khác nhau. Lương tối thiểu có thể bằng nhau, lương bắt đầu đối với cơ quan nhà nước là 2-3 triệu đồng, nhưng các doanh nghiệp có thể 5-10 triệu đồng. Lương tối đa của lãnh đạo chúng ta chưa đến 30 triệu đồng nhưng các doanh nghiệp có thể lên đến hàng trăm triệu đồng” - ông Phương nói và khẳng định thống nhất với việc là giảm giờ làm còn 44 giờ/tuần.

Sửa đổi luật nên đề cập đến nguyện vọng của người lao động

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình Thuận) cho rằng, thời giờ làm việc bình thường của NLĐ là 48 giờ/tuần, cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cao hơn so với thời giờ làm việc bình thường của khu vực công là 40 giờ/tuần. Sự chênh lệch lớn về giờ làm việc giữa người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, tạo sự bất bình đẳng giữa các lực lượng lao động.

Cũng theo vị đại biểu này, qua thực tế tổ chức 6 cuộc hội nghị chuyên đề lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động tại địa phương, đa số NLĐ đều mong muốn và kiến nghị Quốc hội xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường để tạo sự công bằng giữa NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Bùi Thu Hằng (đoàn Hoà Bình) nói rằng, theo số liệu tổng hợp, giờ làm việc thực tế của 63 quốc gia năm 2014 cho thấy giờ làm việc trung bình của Việt Nam xếp thứ 3, cao hơn 60 nước, chỉ sau Campuchia và Bangladesh. Trong 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng là nước có số giờ làm việc thực tế cao nhất. Việc giảm giờ làm việc là xu hướng tiến bộ, phù hợp với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ, tạo ra sự bình đẳng trong xã hội và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Giảm giờ làm sẽ đảm bảo hài hòa với các yếu tố sức khoẻ, xã hội, góp phần tăng thu nhập, việc làm, tạo điều kiện để NLĐ có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập và nâng cao trình độ, kỹ năng hướng tới có việc làm bền vững. NLĐ với tư cách là chủ thể tạo ra sự tiến bộ, văn minh và thịnh vượng phải được thụ hưởng thành quả do mình mang lại, trong đó có việc giảm giờ làm theo Công ước số 47 của Tổ chức Lao động quốc tế.

Bà Đinh Thị Thanh Hà - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng: Cơ hội để doanh nghiệp thay đổi công nghệ

Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương làm việc 44 giờ/tuần vì chủ trương này khi đi vào thực hiện sẽ không tạo nên sự khác biệt, nhất là giữa hai nhóm đối tượng công chức và công nhân, người lao động. Bởi thực tế, nếu có sự khác biệt về thời gian lao động của hai nhóm người này sẽ là vấn đề nhạy cảm.

Tôi cho rằng, việc giảm giờ làm sẽ khiến cho các doanh nghiệp có động lực thay đổi công nghệ, giải pháp quản lý để tăng năng suất. Khi cần làm thêm giờ, tiền lương của người lao động sẽ tăng thêm tương ứng, vừa để người lao động tăng thêm thu nhập, vừa là lý do để người sử dụng lao động hạn chế tăng ca đến mức khai thác cạn kiệt sức lao động của người lao động.

Trần Quang Vinh - công nhân Cty Caosu Đà Nẵng: Tiền quan trọng, nhưng thời gian bên gia đình quan trọng hơn

Tôi cho rằng, nếu chủ trương người lao động như tôi chỉ làm việc đúng 40 giờ/tuần được đưa vào thực hiện thì quá tốt, quá có lợi cho người lao động. Thực tế công việc, tôi biết nhiều anh chị em công nhân lâu nay phải tăng ca, làm thêm giờ đôi khi không phải vì thu nhập mà còn vì những ràng buộc với người sử dụng lao động khiến họ không thể từ chối và Luật Lao động cũng không can thiệp được. Vấn đề nữa, ai cũng biết tăng ca, làm thêm giờ thì sẽ có thêm thu nhập. Đồng ý tiền rất quan trọng nhưng tôi cho rằng, có thời gian để ở bên gia đình, chăm sóc dạy dỗ con cái hoặc nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động còn quan trọng hơn...H.V.M ghi

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn