MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo người lao động, tuổi nghỉ hưu nên áp dụng theo từng ngành nghề cụ thể. Ảnh minh hoạ: Minh Phương.

Làm đến tuổi nghỉ hưu, công nhân hay dân văn phòng đều khó trụ

Mạnh Cường LDO | 02/06/2023 10:49

Phần lớn người lao động chân tay ngoài 50 tuổi đều cảm thấy sức khỏe yếu dần, làm việc không còn hiệu quả, nếu cố gắng lắm cũng chỉ được 55 hoặc gần 60 tuổi chưa kể nhiều chủ doanh nghiệp muốn tìm cách sa thải để thay thế.

Chị Hoàng Thị Thanh (48 tuổi) - công nhân cắt vải tại Nam Định cho biết - tuổi đời công nhân ngắn, ngoài 50 tuổi tay chân chậm dần, nếu không tự xin nghỉ thì cũng dễ bị đào thải bởi năng suất làm việc chẳng thể bằng lớp trẻ.

Ngoài 50 tuổi, chị Thanh và nhiều công nhân đã cảm thấy tay chân chậm dần, khó khăn khi làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đối với nữ giới và công việc chị đang làm, 55 tuổi là con số khá khó để thực hiện chứ đừng nói đến 60 tuổi. "Ở tuổi 55, chân tay chậm chạp, mắt không còn tinh như trước, không cẩn thận là khiến hàng hóa bị hư hỏng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng" - chị Thanh nói về khó khăn khi làm việc lúc có tuổi.

Theo chị Thanh, chỉ những người làm công việc nhẹ nhàng mới cố gắng trụ được đến khi 60 hoặc 62 tuổi. Với công nhân làm việc vất vả như chị, hầu hết phụ nữ đều có suy nghĩ qua 50, lâu nhất khoảng 55 tuổi là nghỉ việc.

"Người nào đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội mà chưa đến tuổi hưu thì chuyển công việc khác nhẹ nhàng hơn, chờ hưởng lương hưu. Nếu đóng được vài năm thì rút bảo hiểm xã hội một lần, ai đóng hơn chục năm sẽ cân nhắc rút về hoặc cố gắng đóng bảo hiểm tự nguyện đến khi đủ tuổi nhận lương hưu" - chị Thanh cho biết.

Cùng quan điểm với chị Thanh, chị Phạm Thị Ngọc (28 tuổi), công nhân lắp ráp thiết bị điện tử tại Thái Nguyên cũng khẳng định đếm trên đầu ngón tay mới có công nhân làm việc ở tuổi 60.

Làm công nhân hay những công việc lao động chân tay vất vả sẽ phải đối mặt với hai nỗi lo. Thứ nhất, dễ bị đào thải, đây là xu hướng chung với hầu hết mọi ngành nghề, vị trí công việc bình thường. Thứ hai, công việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu làm lâu.

Do đó, theo chị Ngọc, trong suy nghĩ cũng muốn gắn bó thật lâu với nghề này nhưng sức khỏe không cho phép nên vẫn phải nghỉ sớm. Nhất là những công việc, làm lâu năm sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, độc hại và nguy hiểm. Rồi những người làm đêm, họ khó cố gắng được đến tuổi 60.

Dân văn phòng làm việc đầu óc, nghe qua thì nhàn hơn lao động chân tay nhưng cũng ít người trụ được đến khi đủ tuổi nghỉ hưu - chị Bảo Quyên (34 tuổi) nhân viên content marketing tại Quận Cầu Giấy, Hà Nội tâm sự.

Theo chị Quyên, không phải vì sức khỏe mà bởi khả năng tiếp thu, nhạy bén với công việc cũng như hiếm có doanh nghiệp nào tồn tại lâu dài.

Chị Quyên cho biết nếu không có năng lực nổi bật, ngoài 50 tuổi dân văn phòng cũng dễ bị đào thải như công nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu công nhân ngoài 50 tuổi sức khỏe yếu dần thì dân văn phòng chúng tôi ngoài 50 tuổi, đầu óc cũng không còn nhạy bén như trước, để làm đến 60-62 tuổi là điều vô cùng khó khăn.

Lúc đó, việc tiếp thu, sử dụng các công nghệ số hiện đại sẽ khó bắt kịp, kém hơn nhiều so với lớp trẻ. Nếu không có thành tựu gì nổi bật trong công ty, khả năng cao cũng bị đào thải.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm 12 năm đi làm, chị Quyên cho biết tuổi đời trung bình của một doanh nghiệp vừa và nhỏ thường kéo dài từ 15 đến 30 năm. Chỉ những doanh nghiệp thực sự lớn mới tồn tại lâu dài.

"Nếu năm 50 tuổi doanh nghiệp không còn hoạt động, chúng tôi phải nghỉ việc thì không biết nơi nào còn tuyển. Theo tôi, tuổi nghỉ hưu nên áp dụng theo từng ngành nghề cụ thể. Chẳng hạn, với lao động trực tiếp thì 52-55 tuổi; lao động văn phòng từ 55-58 tuổi" - chị Quyên đề xuất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn