MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thợ lò đi xe goòng xuống lò. Ảnh: CTV

Làm gì để ngành than không “vỡ trận” vì thiếu thợ lò

NGUYỄN HÙNG – TRẦN NGỌC DUY LDO | 28/09/2017 16:30

Có quá nhiều lý do khiến thợ lò đua nhau bỏ việc, hoặc có làm cũng chỉ là tạm thời. Ngành than đã có nhiều cuộc họp và trong thực tế cũng đưa ra khá nhiều giải pháp nhằm thu hút, giữ chân thợ lò, nhưng tình hình có vẻ ngày càng trầm trọng hơn bởi những vấn đề nội tại của ngành than và cơ hội nghề nghiệp từ nhiều ngành kinh tế khác đối với thanh niên ở những vùng nông thôn. Nhưng trên tất cả, mà ai cũng phải thừa nhận: Thợ lò không an cư, sẽ khó lạc nghiệp.

Nghề ám ảnh và hết độc quyền

Lâu nay, nghề thợ lò vẫn được biết đến là nghề độc hại, nặng nhọc và nguy hiểm, cho dù trong thực tế, số thợ lò tử nạn và bị thương thấp hơn rất nhiều so với các nghề khác, như xây dựng. Tuy nhiên, cứ nghĩ đến thợ lò là dư luận nghĩ tới những rủi ro rình rập bởi phải làm việc sâu trong lòng đất và thỉnh thoảng có xảy ra những vụ tai nạn. Vì thế, xã hội dường như có định kiến với nghề này, nên bản thân thanh niên không muốn làm thợ lò và gia đình họ cũng không muốn. Bản thân những người công tác lâu năm trong ngành than khi được hỏi “có định hướng cho con em theo nghề?” thì đều lắc đầu. Theo một lãnh đạo Cty than, trước đây, ở Cty nào cũng có những trường hợp 2 hoặc 3 thế hệ trong một gia đình làm thợ lò, nhưng nay gần như “tuyệt chủng”.

“Mức lương của thợ lò hiện cao hơn so với mặt bằng chung. Số thợ có thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng không phải là ít, kể cả những người mới vào nghề bởi thu nhập dựa trên năng suất lao động. Tuy nhiên, ngoài việc là nghề nặng nhọc, nguy hiểm thì gần đây, ngay cả ở những vùng nông thôn, cơ hội kiếm việc làm dễ hơn nhiều, với sự xuất hiện của các KCN, các nhà máy…” - vị này chia sẻ. Vì thế, cách đây khoảng 10 năm trở về trước, ai muốn trở thành thợ lò của TKV phải tìm, nhờ nhiều “cửa”; nhưng gần đây, các Cty khai thác than phải chìa tay ra trước, mời gọi thanh niên về đầu quân cho mình.

Anh Trần Văn Phong - từng thường xuyên vi vu trên những chuyến du lịch đắt tiền dành cho những thợ lò xuất sắc - hiện đã yên ổn ở quê nhà Hải Dương, với nghề chở hàng thuê. Thu nhập của anh thời làm thợ lò không bao giờ dưới 10 triệu/tháng nếu làm đủ công và đảm bảo năng suất. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm làm thợ lò, anh quyết định bỏ nghề vì như anh nói, “3-4 triệu đồng/tháng mà được gần nhà còn hơn 10 triệu đồng ở thành phố”.

Thu nhập không phải là tất cả

Việc cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc để bớt nặng nhọc, nguy hiểm cho thợ lò dẫu là không đơn giản nhưng có thể thực hiện được phần nào. Tuy nhiên, việc an cư - tạo dựng hậu phương ổn định ngay tại vùng mỏ cho thợ lò - là điều không tưởng, trong khi đây lại là một trong những lý do hàng đầu khiến thợ lò bỏ việc. Chưa có một cuộc điều tra chính thức, nhưng hầu hết những thợ lò trẻ đều không có cơ hội lập gia đình ở đất mỏ; thậm chí, nhiều thợ lò có thâm niên cao hiện vợ, con vẫn ở quê nhà. Bởi, tâm lý chung của bố mẹ là không muốn con làm thợ lò và cũng không muốn gả con gái cho thợ lò quê quá xa.

Trong khi đó, việc đưa vợ, con về Quảng Ninh là điều không thể đối với hầu hết các thợ lò. Anh Sùng Mí Chá, người dân tộc Mông, quê Mỹ Thầu, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, làm thợ lò tại Cty than Khe Chàm (TP.Cẩm Phả) từ năm 2016. Với mức lương khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh đã dự tính đưa vợ và 3 con về Cẩm Phả. “Suy đi tính lại, tôi không dám đưa vợ con về đây nữa vì không tìm được việc cho vợ, trong khi 3 con đi học thì rất tốn kém, nhà cửa thì đi thuê. Hiện, cứ khoảng 2 tháng tôi về quê một lần. Đi lại tốn kém và vất vả bởi đường quá xa” - anh Chá cho biết.

Ngành than và chính quyền địa phương cũng đã từng tính tới phương án mời gọi các Cty may, giày da… với phần lớn công nhân là phái nữ về mở phân xưởng, nhà máy gần các Cty than, với hy vọng thợ lò sẽ tìm được người bạn đời của mình và yên tâm công tác ở đây. Trong khi chưa ra mắt được Cty nào như thế thì mới đây, tại vùng than Cẩm Phả, Cty TNHH Everbest, với 2.274 lao động, trong đó phần lớn là phái nữ, đóng cửa, khiến cơ hội giữ chân thợ lò xa quê càng 
khó hơn.

Ông Lê Xuân Thanh - Trưởng phòng Tổ chức, Cty than Hòn Gai - cho biết, để giữ chân thợ lò, Cty ký hợp tác với Cty CP may Quảng Ninh, theo đó sẽ đào tạo và bố trí công việc cho vợ, người yêu của các thợ lò. Tuy nhiên, nếu điều này có thành hiện thực thì cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của riêng Cty than Hòn Gai. Trong khi đó, việc tiếp nhận vợ, con thợ lò vào ngành than như trước đây mới hy vọng giải quyết được bài toán này, nhưng sẽ rất khó lặp lại bởi toàn ngành đang tinh giản bộ máy, trong đó quyết liệt giảm nhân sự ở những bộ phận văn phòng, hành chính, phụ trợ. Theo TKV, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành cắt giảm tới 2.400 lao động chủ yếu ở khâu phục vụ, phụ trợ và quản lý.

Theo một thợ lò kỳ cựu, ở thế hệ của ông, bước chân vào nghề tuy không biết gắn bó bao lâu, nhưng không ai tính đến ngày bỏ đi bởi một phần ngày đó, tìm được việc làm ổn định rất khó, dù biết rằng đây là nghề nguy hiểm. Tuy nhiên, thế hệ hôm nay, nhiều thợ lò xác định rõ ràng ngay từ đầu: Làm vài năm, kiếm chút tiền rồi về quê làm việc khác.

Vì lẽ đó, cho dù số tuyển mới có ngang bằng với số bỏ việc thì ngành than vẫn luôn ở trong thế bấp bênh về nguồn lực thợ lò, chưa kể số thợ lò đến tuổi về hưu, trong khi việc khai thác than càng ngày càng xuống sâu dưới lòng đất. Không phải TKV không muốn đổi mới công nghệ, tăng tỉ lệ cơ giới hóa khai thác hầm lò, nhằm giảm nhân lực và hạn chế rủi ro cho thợ lò, nhưng do địa chất, địa tầng than ở Quảng Ninh khó triển khai cơ giới hóa trên diện rộng. Vì thế, như lời than thở của Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải: “Thiếu thợ lò, ngành than sẽ vỡ trận”.

Tăng cơ giới hóa để đảm bảo an toàn và giảm bớt sức lao động cho thợ lò

Phát biểu tại hội nghị toàn ngành than bàn về các biện pháp thu hút và giữ chân thợ lò mới đây, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV - cho rằng, các Cty thành viên phải tiếp tục tạo ra môi trường làm việc an toàn tuyệt đối bằng cách đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất. Việc này cũng nhằm vừa giảm bớt sức lao động nặng nhọc của thợ lò vừa nâng cao năng suất lao động, góp phần tạo thu nhập cao hơn và ổn định cho đội ngũ thợ lò. Công đoàn TKV phải quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc, chỗ ăn ở của công nhân. Được biết, năm 2017, các đơn vị khai thác than hầm lò phấn đấu sản lượng than khai thác bằng cơ giới hoá đồng bộ đạt tỉ lệ 12%. Tỉ lệ này sẽ được tăng dần trong các năm để tỉ lệ than khai thác bằng cơ giới hoá lên 15-20% vào năm 2020. Theo ông Lê Minh Chuẩn, từ nay đến năm 2020, TKV đề ra mục tiêu tập trung nghiên cứu, hoàn thiện áp dụng cơ giới hóa cho các mỏ có trữ lượng công nghiệp lớn, ổn định, điều kiện địa chất phù hợp, sau đó sẽ mở rộng áp dụng trong TKV. Đối với các mỏ xây dựng mới, như: Núi Béo, Khe Chàm II-IV..., cần áp dụng những công nghệ tiên tiến, ưu tiên cơ giới hóa đồng bộ cho công suất lớn. NGUYỄN HÙNG

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn