MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần bên trong trụ sở của Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 116 (521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) được đơn vị này cho thuê làm nhà hàng ăn uống từ lâu. Ảnh: Trần Tuấn

Làm rõ nguồn thu khủng mà người lao động tố cáo

Trần Tuấn LDO | 04/06/2020 09:57
Trong đơn tố cáo gửi đến phóng viên Báo Lao Động, đại diện người lao động của Công ty (Cty) Cổ phần Công trình Giao thông 116 cho rằng, Cty này vẫn có nguồn thu tiền tỉ đều đặn mỗi năm nhưng không chịu chi trả tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội đang vào cuộc thu thập hồ sơ liên quan.

Người lao động không thể về hưu

Tháng 5.2020, Lao Động đã đăng tải loạt bài: Kỳ lạ chuyện phải cho công ty (Cty) vay hàng trăm triệu đồng để được... về hưu, phản ánh câu chuyện nhiều công nhân làm việc tại Cty Cổ phần Công trình Giao thông 116 (Công ty 116 ở 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đủ tuổi về hưu theo quy định nhưng không thể hoàn thiện hồ sơ để về hưu do Cty nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) số tiền hơn 16 tỉ đồng.

Để được về hưu, nhiều cán bộ của Cty phải bán đất hoặc đi vay mượn để có tiền cho Cty vay hàng trăm triệu đồng tất toán cho BHXH. 

Đáng nói, đến thời điểm này, sau nhiều năm, các cán bộ trên chưa thể nhận lại số tiền đã cho Cty vay. Có trường hợp khó khăn, không xoay xở được tiền cho Cty vay thì vẫn chưa... về hưu được.

Ngày 1.6, trao đổi với phóng viên, đại diện Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã vào cuộc làm việc với đại diện Cty 116 yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến hành vi nợ đọng BHXH kéo dài như Lao Động đã phản ánh.

Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Thanh Xuân cũng cho biết thêm, trong trường hợp Cty 116 vẫn có các nguồn thu nhưng không chịu chi trả tiền BHXH cho người lao động (NLĐ) thì rõ ràng đó là hành vi vi phạm pháp luật và có thể xử lý hình sự.

Công ty vẫn có nguồn thu tiền tỉ?

Ngày 2.6, trao đổi với phóng viên, ông Chu Hồng Điệp (61 tuổi, An Lão, Bình Lục, Hà Nam) - người vẫn bị Cty nợ đến 225 triệu đồng tiền BHXH - nói rằng, vẫn đang làm công việc bảo vệ tại dự án nuôi bò ở Hoà Bình, cách nhà gần 100km.

Ông Điệp nói, trước đó đã tính đến phương án chấp nhận mất gần một nửa số lương hưu mình đáng được hưởng để được làm sổ hưu để về hưu (do Cty chỉ đóng BHXH cho ông Điệp đến tháng 10.2010 - PV) nhưng việc thực hiện thủ tục từ phía Cty 116 cũng rất khó khăn.

Ngoài ra, các trường hợp khác như ông Đặng Văn Quang (59 tuổi, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), ông Phùng Thế Thưởng (60 tuổi, Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định), bà Nguyễn Thị Vân (58 tuổi, Nghĩa Hưng, Lạc Giang, Bắc Giang) phải cho Cty vay hàng trăm triệu đồng để tất toán BHXH cũng đề nghị Công an quận Thanh Xuân sớm làm rõ các nguồn thu của Cty 116 và yêu cầu Cty này sớm trả lại số tiền mồ hôi nước mắt của họ.

Trong đơn tố cáo gửi đến phóng viên Lao Động, đại diện những NLĐ của Cty 116 bị nợ BHXH cho rằng, Cty này vẫn có nguồn thu tiền tỉ đều đặn mỗi năm từ việc cho thuê đất, văn phòng (như tại trụ sở chính 521 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) và khu đất của Cty thuộc phường Đồng Mai, quận Hà Đông.

“Từ năm 2017 đến nay, Cty cũng đã bán tẩu tán các trang thiết bị: Bán dây chuyền trạm trộn bêtông nhựa Asphalt, máy xúc, máy ủi, máy lu… thu hàng chục tỉ đồng, nhưng giám đốc Cty thời điểm đó là ông Trần Nam Hưng không trả lại số tiền mồ hôi nước mắt cho chúng tôi” - đơn kêu cứu viết.

Giám đốc cũ trốn tránh?

Sau khi loạt bài đăng tải, ông Trần Nam Hưng - Giám đốc thời kỳ mà Công ty Cổ phần Công trình Giao thông 116 nợ đọng BHXH và là người đại diện Cty ký vào giấy vay tiền của các cán bộ về hưu trên cho biết, đã nghỉ và bàn giao công việc cho giám đốc mới. Ông Hưng hứa hẹn sẽ sớm sắp xếp cuộc gặp giữa ông, giám đốc mới của công ty và phóng viên Báo Lao Động để làm rõ các vấn đề mà người lao động của công ty đã tố cáo.

Tuy vậy, sau đó nhiều lần, phóng viên liên hệ làm việc với cả giám đốc cũ và giám đốc mới của Công ty 116 đều không được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn