MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng trăm người lao động đã từng bị Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex (Hà Nội) nợ bảo hiểm xã hội (ảnh chụp ngày 2.3.2023). Ảnh: Hà Anh

Làm rõ thực trạng việc nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Hà Anh LDO | 21/07/2023 09:05

Chiều 21.7, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc”.

Hội thảo được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2023) và 63 năm Ngày thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân (26.7.1960 - 26.7.2023). Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đồng chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐVN, các đơn vị của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực lao động, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo vệ quyền lợi người lao động (NLĐ), NLĐ gặp khó khăn khi bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội…

Thông qua các chuyên đề, tham luận... hội thảo sẽ cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Nội dung của hội thảo còn tập trung vào xác định các giải pháp, kiến nghị khả thi trong việc hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm và bảo vệ NLĐ.

Làm rõ thực trạng việc nợ đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, hưu trí và hưởng chế độ tử tuất.

Thấy được những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong việc NLĐ khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại, bảo vệ quyền lợi do hành vi nợ đóng, trốn tránh đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên hai phương diện quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực BHXH và luật sư sẽ trao đổi thông tin, tư vấn cho NLĐ biết được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình đang bị xâm, ảnh hưởng do hành vi nợ đóng, trốn đóng BHXH của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, hướng dẫn NLĐ biết cách bảo vệ và đòi quyền lợi của cá nhân khi bị xâm hại, gây ảnh hưởng.

Cung cấp những thông tin, quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp; một số hành vi, thủ đoạn vi phạm quy định của pháp luật, phạm tội trong việc đóng BHXH của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức hiện nay…

Hội thảo được tường thuật trực tuyến trên Báo Lao Động điện tử (laodong.vn), YouTube và Fanpage của Báo Lao Động; Báo Bảo vệ pháp luật điện tử (Baovephapluat.vn); Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (chinhphu.vn), Fanpage của Cổng thông tin điện tử Chính phủ…

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

* Tính đến thời điểm 30.6.2023, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) phải tính lãi là 15.797 tỉ đồng, chiếm 3,3% số phải thu. Tổng số đơn vị chậm đóng là 302.372 đơn vị tương ứng với hơn 4.541.850 người lao động.

* Việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau, nhiều NSDLĐ đã có hành vi vi phạm pháp luật khi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Khi NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng không.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn