MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đang rà soát việc thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Làm rõ việc TPHCM có hơn 400.000 người mất việc nhưng chỉ hỗ trợ 200 người

Huyên Nguyễn LDO | 05/11/2021 07:34

TPHCM - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết trong quá trình triển khai Nghị quyết 68 /NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 của Chính phủ, còn lúng túng và đang tập hợp hồ sơ để làm báo cáo chi tiết.

Tháo gỡ vướng mắc

Mới đây, một số báo thông tin TPHCM 400.000 người mất việc nhưng chỉ hỗ trợ 200 người, gây chú ý dư luận. Cụ thể, tại cuộc họp với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động ngày 3.11, báo cáo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung, đại diện Sở LĐTBXH TPHCM cho biết tình hình lao động thời gian qua và việc chi trả hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Theo báo cáo, thời điểm tháng 6.2021, thành phố có 2,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), đến tháng 8, số đóng bảo hiểm chỉ còn 1,9 triệu người, giảm hơn 414.000 người.

Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thắc mắc về con số thống kê về chính sách hỗ trợ người phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch của TPHCM chỉ ở mức 197 người, số lao động nghỉ việc vỏn vẹn… 1 người? “Tôi rất nghi ngờ con số này" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thắc mắc và yêu cầu Sở LĐTBXH TPHCM giải thích rõ.

Trả lời câu hỏi của Lao Động để làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho hay tại buổi kiểm tra, nghe báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, báo cáo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Sở LĐTBXH TPHCM có thông tin về việc chi trả nghỉ việc có 1 người, còn chi trả tạm hoãn hợp đồng là khoảng 157.000. Bộ trưởng đặt vấn đề là theo số liệu của BHXH thì tạm ngưng đóng BHXH trong tháng 9 là hơn 400.000 người. Lí do tại sao lại như vậy và yêu cầu làm rõ.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM Nguyễn Văn Lâm. Ảnh: TTBC 

Ông Lâm cho hay, về tất cả những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thì Sở LĐTBXH TPHCM đang tập hợp hồ sơ để làm báo cáo chi tiết.

Trong đó, đối với thực hiện hỗ trợ lao động ngừng việc và tạm hoãn ở Nghị định 68 thì TPHCM vẫn tổ chức triển khai chi trả bình thường nên mới có con số 157.000, tuy nhiên, có một điều mà giải thích của cơ quan cấp trên chưa rõ nên Sở phải có văn bản hỏi lại.

Cụ thể, ông Lâm phân trần: Theo quy định có 2 yêu cầu về hồ sơ là doanh nghiệp phải tập hợp để nộp cho BHXH rà soát, xác nhận, sau đó thì địa phương chi trả. Thứ 2, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định thì văn bản không quy định rõ đơn vị đó là cấp xã/phường hay quận/huyện, Thành phố.

“Quy định chưa nêu rõ nên trong quá trình thực hiện có lúng túng và Sở đã có văn bản hỏi cơ quan cấp trên”, ông Nguyễn Văn Lâm – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM bày tỏ.

Ông Lâm cho biết thêm: Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 8.10, trong đó điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ dịch COVID-19 đã quy định ở nơi nào có cách ly theo Chỉ thị 16 của Chính phủ thì nơi đó áp dụng theo tình huống cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phòng chống dịch.

Do đó, Sở LĐTBXH TPHCM đang rà soát, đồng thời làm việc cụ thể với BHXH TPHCM xác định rõ số lượng ngừng việc, ở trong loại hình, doanh nghiệp, địa bàn nào… để có chỉ đạo cụ thể, thực hiện theo đúng Nghị quyết 68 của Chính phủ.

Thông tin về gói hỗ trợ đợt 3 của TPHCM, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Lâm cho biết, tính đến 16h chiều 4.11, gói hỗ trợ đợt 3 đã chi trả được 6.041.984 trường hợp (trong tổng số khoảng 7,5 triệu người có trong danh sách được hỗ trợ).

Hiện nay, 3 đoàn kiểm tra công tác chi trả vẫn đang tiếp tục làm việc ở các địa phương. Đến ngày 15.11, sẽ tổng hợp thông tin để UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố.

Cần hơn 33.000 vị trí việc làm trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ

Về tình trạng nhân lực trên địa bàn, ông Lâm cho biết, theo khảo sát về nhu cầu dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, trong quý III/2021, nhu cầu về nhân lực ở lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp là 41 vị trí làm việc, chiếm 0,1% so với tổng nhu cầu; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cần 8.191 vị trí, chiếm 19,8%; lĩnh vực thương mại, dịch vụ cần 33.136 vị trí, chiếm 80,1%.

Lĩnh vực thương mại – dịch vụ tại TPHCM đang có nhu cầu việc làm lớn. Ảnh: Huyên Nguyễn 

Trước nhu cầu về nhân lực này, thành phố đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại sàn giao dịch, có 180 đơn vị tuyển dụng với khoảng 31.000 vị trí gồm có các ngành nghề như kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, tư vấn tài chính, bảo hiểm sản xuất, bảo trì vận hành, kỹ sư thủy sản và lao động phổ thông… Chương trình đã thu hút hơn 300 người tham gia phỏng vấn trực tuyến. Riêng TPHCM có 12 doanh nghiệp tham gia với hơn 5.000 vị trí lao động.

Với nhu cần nhân lực như hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm đã chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tìm việc và danh sách này đã được gửi cho các doanh nghiệp để triển khai phỏng vấn. “Thị trường lao động từ giờ đến cuối năm tại TPHCM sẽ diễn ra ổn định và góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương", ông Lâm nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn