MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nữ công nhân ở Đồng Nai chuẩn bị bữa ăn. Ảnh: Hà Anh Chiến

Làm thêm là điều tất yếu để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ

HÀ ANH CHIẾN LDO | 23/03/2022 06:30
Nhiều công nhân ở Đồng Nai chia sẻ, trong thời điểm khó khăn vì dịch bệnh vừa qua đi, họ đã phải mang hết số tiền tiết kiệm ra để chi tiêu, nên việc tăng ca, làm thêm là điều tất yếu để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ và tăng giá như hiện nay. Hơn nữa, tăng ca cũng là mong muốn của người lao động để có tích luỹ cho những mục đích xa hơn là có nhà để ở ổn định...

Đợt dịch lần thứ tư vừa qua ở Đồng Nai, gia đình chị Lê Thị Khuyên (quê ở tỉnh Thanh Hóa) làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial, Khu công nghiệp Biên Hoà 2, TP.Biên Hòa đã phải “ăn” tới số tiền dành dụm tích luỹ do nhiều tháng giãn cách xã hội không được đi làm. Đến nay, khi nguồn tích luỹ đã gần cạn kiệt thì cả hai vợ chồng chị Khuyên đều mong ngóng được tăng ca thường xuyên để kiếm thêm thu nhập bù lại những khoản đã tiêu xài trong mùa dịch vừa qua.

Chị Khuyên có tới 4 người con nhỏ, cả 4 đều được gửi về gia đình nội - ngoại chăm sóc, còn hai vợ chồng chị thuê nhà trọ rẻ tiền để tiết kiệm và dành toàn bộ thời gian và sức khoẻ để tăng ca kiếm thêm thu nhập để có thêm tiền gửi về nhà nuôi con, còn một phần dôi dư ra thì để dành tích luỹ.

Tương tự, chị Vũ Thị Duyên (38 tuổi, quê Thái Bình) cũng làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial thuộc dạng thâm niên và có mức lương hằng tháng hơn 10 triệu đồng chưa kể tăng ca. Dù mức lương cao, nhưng tuần nào chị Duyên vẫn cố gắng tăng ca đều để có thêm thu nhập lo cho con trai đang theo học ở một trường tư để cải thiện khả năng ngôn ngữ, riêng tiền học phí một tháng đã “ngốn” hết 6,5 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí của tiền phòng trọ, tiền điện, nước, tiền xăng xe... 

Chị Duyên hy vọng, việc cố gắng tăng ca tích luỹ thêm tiền thì sau này khi Nhà nước có chính sách cho công nhân mua nhà giá rẻ thì gia đình chị cũng đã có sẵn một khoản tiền chuẩn bị. “Tôi làm việc cật lực, tăng ca các kiểu thì cũng chỉ mong tiết kiệm được đôi ba trăm triệu, chờ khi nhà nước có chính sách mua nhà ưu đãi cho công nhân thì đăng ký mua trả góp” - chị Duyên chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Trang (23 tuổi, quê Cà Mau), đã làm công nhân ở Đồng Nai cho một Công ty mây tre đan và đã có gia đình gồm 2 con nhỏ (1 tuổi và 2 tuổi). Chị Trang phải gửi cháu nhỏ về nhờ ông bà ngoại nuôi dưỡng, hai vợ chồng chỉ nuôi cháu lớn nhưng khi đi làm phải gửi con cho nhà trẻ tư nhân chăm sóc.

Chị Trang chia sẻ: “Hiện nay vợ chồng tôi nếu không tăng ca thì thu nhập chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng, không đủ để gửi tiền về quê và tiền chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Vì vậy, vào khoảng thời gian tháng 6 hằng năm là thời điểm công ty có nhu cầu tăng ca nên cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Nếu tăng ca đầy đủ mỗi tháng cả hai vợ chồng có thể kiếm thêm được 4 triệu đồng. Số tiền hai vợ chồng cộng lại được khoảng 16 triệu đồng thì mới có thể dư được một chút để tiết kiệm, tích luỹ”. 

Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Changshin Việt Nam - cũng cho biết: Công nhân mới vào làm việc nếu không tăng ca thì mức lương chỉ khoảng hơn 6 triệu đồng, sẽ không đủ chi phí cho cuộc sống hiện nay khi giá cả tăng cao. Do đó, công nhân muốn có thêm thu nhập thì đều tăng ca, nếu tăng ca một tuần 4 tiếng, một tháng 16 tiếng thì thu nhập sẽ ở mức hơn 8 triệu đồng/tháng thì mới đủ để họ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, nhiều công nhân đều chia sẻ: Với mức lương thấp so với chi phí cuộc sống ngày càng đắt đỏ, giá cả tăng cao như hiện nay thì buộc lòng những người lao động phải tăng ca nhiều. Đến khi nào mức lương cơ bản có thể đáp ứng được các chi tiêu sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống thì người lao động sẽ đỡ vất vả hơn, sẽ bớt tăng ca hơn, đảm bảo được sức khoẻ và có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn