MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Trương Thị Minh Ngọc, cán bộ thường trực khối dân vận của phường Thạnh Xuân (quận 12, TPHCM), sinh con nhưng không được nhận chế độ thai sản. Ảnh: L.T

Làm việc toàn thời gian chỉ được hưởng 2/5 chế độ

LÊ TUYẾT LDO | 07/12/2017 06:47
Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2016), cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn được tham gia BHXH nhưng chỉ được đóng vào 2 quỹ tử tuất và hưu trí, còn ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp thì không, khiến đối tượng này chịu nhiều thiệt thòi.

Sinh con mới biết mình không được hưởng chế độ thai sản!

Năm 2016, chị Võ Thị Nhung 26 tuổi (hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM) sinh con đầu lòng. Chị đinh ninh sẽ được hưởng chế độ thai sản, tuy nhiên, khi đi làm thủ tục, chị mới biết “mình không thuộc diện”. Chị trần tình: “Mang tiếng người đi làm cơ quan nhà nước mà còn thua bạn mình làm công nhân ở các Cty gần nhà. Bạn đi làm, nghỉ ở nhà 6 tháng vẫn có tiền vì được hưởng chế độ thai sản, còn mình thì không”.

Cùng hoàn cảnh với chị Nhung là chị Trương Thị Minh Ngọc, 28 tuổi, hiện là cán bộ thường trực khối dân vận của phường Thạnh Xuân, vừa qua, chị sinh con thứ 2 và không được hưởng chế độ thai sản. Chị Ngọc đã làm việc tại UBND phường từ năm 2012 theo chế độ hợp đồng, không thuộc biên chế như cán bộ công chức. Dù là cán bộ không chuyên trách nhưng thực tế công việc chị làm cũng nhiều như cán bộ chuyên trách. Mỗi ngày, chị phải có mặt ở trụ sở UBND phường giải quyết hồ sơ từ sáng đến chiều tối, có khi phải ôm cả chồng hồ sơ về nhà làm. Làm việc toàn thời gian, có khi còn làm thêm ở nhà, nhưng đến khi sinh con, theo quy định của Luật BHXH, chị không phải là đối tượng được hưởng chính sách.

TPHCM hiện có 6.532 cán bộ không chuyên trách phường, xã, trong đó có 2.966 nữ (tỉ lệ 45,41%) và 530 cán bộ không chuyên trách là hưu trí (không đóng BHXH). Ở TPHCM, trước đây, khi Luật BHXH năm 2006 quy định đối tượng cán bộ không chuyên trách phường, xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 339/2004/QĐ-UB và Quyết định 59/2010/QĐ-UBND chấp thuận cho họ được đóng BHXH bắt buộc thông qua việc ký hợp đồng lao động với hệ số 1,86 và được hưởng tất cả chế độ BHXH bắt buộc gồm: Hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Thế nhưng, khi Luật BHXH năm 2014 được ban hành, cán bộ không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên khoản hỗ trợ này cũng bị ngừng khiến người lao động, đặc biệt là lao động nữ, rất thiệt thòi.

Chính sách còn bất hợp lý

Theo quy định, cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn bao gồm nhiều đối tượng như: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Phó Bí thư Đoàn; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ; Cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế, dân số, văn hoá - thể dục, thể thao. Cán bộ không chuyên trách vẫn phải đi làm 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần, thậm chí, nhiều người phải đi làm cả thứ bảy, chủ nhật. Thế nhưng, theo quy định của Luật BHXH thì quyền lợi về BHXH của họ không được bảo đảm như người hoạt động chuyên trách.

Mới đây, UBND TPHCM đã có tờ trình gửi HĐND TPHCM đề xuất một số chính sách hỗ trợ cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn. Theo đó, khi Luật BHXH 2014 chưa có hiệu lực, ngân sách thành phố hỗ trợ như sau: Qua báo cáo của quận - huyện, cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn được hưởng trợ cấp BHXH, từ năm 2010 đến 2015, thì bình quân một năm như sau: Trợ cấp ốm đau 16 người/năm (số tiền trợ cấp 16.745.304 đồng/năm); trợ cấp thai sản 159 người/năm (số tiền trợ cấp 2.100.692.013 đồng/năm); trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp 0 người/năm. UBND TPHCM kiến nghị, từ ngày 1.1.2018, để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ không chuyên trách phường - xã, thị trấn, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM về chế độ hỗ trợ trợ cấp ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cán bộ không chuyên trách ở phường - xã, thị trấn (có đóng BHXH). Nguồn kinh phí hỗ trợ cân đối từ ngân sách thành phố; mức hỗ trợ, chế độ trợ cấp được tính theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn quy định. Kinh phí chi hỗ trợ hàng năm ước hơn 2,1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đó chỉ là cách làm của UBND TPHCM đối với 6.532 cán bộ không chuyên trách phường, xã, thị trấn làm việc ở thành phố này, vậy những đối tượng này ở 62 tỉnh, thành khác sẽ ra sao? Đặc biệt các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Cần Thơ… với khối lượng công việc cũng tương tự, họ sẽ phải chịu thiệt thòi vì những bất cập của chính sách pháp luật đến bao giờ?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn