MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ Thừa Thiên Huế trao hỗ trợ cho nhân viên cấp dưỡng Trần Thị Hồng Sinh. Ảnh: Như Phương.

Làm việc từ 6 giờ sáng mỗi ngày suốt 15 năm, thu nhập của nhân viên cấp dưỡng ở Huế 2,8 triệu đồng/tháng

NHƯ PHƯƠNG LDO | 13/04/2024 10:49

HUẾ - Vật giá ngày càng leo thang, công việc có những vất vả đặc thù riêng, nhân viên cấp dưỡng tại các trường học mong muốn có thu nhập tốt hơn từ lương để đảm bảo cuộc sống.

Công việc không nhàn rỗi nhưng lương không cao

Chị A Viết Thị Canh, nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non Hồng Thượng (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) đã gắn bó với công việc được 8 năm. Chị cho biết, lương của chị sau khi trừ các khoản đóng góp theo quy định chị nhận được 2,8 triệu đồng/tháng, chồng chị là nhân viên bảo vệ rừng, thu nhập mỗi tháng từ lương cũng chỉ được 1,5 triệu đồng. Với thu nhập như vậy cuộc sống đã vô cùng khó khăn, nay chị mang trong mình căn bệnh ung thư tuyến giáp, chi phí điều trị cao, khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Chị Viên Thị Ôn, nhân viên cấp dưỡng Trường Mầm non A Đớt là mẹ đơn thân, nuôi con bị bại liệt. Chị là nhân viên cấp dưỡng, đến nay cũng được 15 năm.

Chị cho biết: “Công việc ở trường cũng chiếm nhiều thời gian, từ khâu tiếp phẩm đến chế biến món ăn, lau dọn bếp, rửa chén bát…nên dù nắng hay mưa thì 6 giờ sáng tôi đã có mặt ở trường và sau 12 giờ trưa, chị mới được nghỉ ngơi, buổi chiều lại chuẩn bị các bữa ăn nhẹ cho các cháu, cũng đến 5 giờ mới về đến nhà.

Với những khó khăn, vất vả nhất định, nhưng lương thấp kèm theo đó lương của cấp dưỡng được chi trả từ nguồn xã hội hoá, trong khi cuộc sống của người dân cũng khó khăn. Nên việc đóng tiền ăn, tiền cấp dưỡng cũng không được đầy đủ, đúng hạn như những đơn vị ở vùng đồng bằng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của chúng tôi”.

“Nhiều người vẫn nói công việc cấp dưỡng có gì nặng nhọc đâu, chẳng vất vả tí nào. Nhưng để có bữa cơm đầy đủ sinh dưỡng, nấu cơm khô, nhão phù hợp cho các cháu, chúng tôi cũng phải cân đo, đong đếm, suy nghĩ.... Tuy nhiên, đồng lương mà chúng tôi hiện hưởng (chưa được 3 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản đóng góp) thì quá thấp so với công việc chúng tôi đang thực hiện” chị Trần Thị Hồng Sinh chia sẻ.

Làm thêm để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống

“Ngoài công việc bảo vệ rừng, chồng tôi tranh thủ thời gian rảnh rỗi đi lấy mật ong, bắt cá. Còn tôi, ngoài thời gian làm việc ở trường, về nhà tôi trồng thêm rau, dưa, làm thêm ruộng…, ai gọi làm gì thì đi làm thêm để mong có thêm thu nhập, lo cho con ăn học và có thêm kinh phí để điều trị bệnh” - chị A Viết Thị Canh tâm sự.

Chị Trần Thị Hồng Sinh cho biết: “Từ ngày chồng tôi bị tai nạn rồi qua đời, với mức lương hiện tại, thực sự không đảm bảo cuộc sống cho ba mẹ con. Trong khi, con cái tôi ốm đau triền miên, cần rất nhiều tiền để lo thuốc thang, điều trị. Nhưng để có thêm thu nhập, tôi cũng chỉ biết chăn nuôi, làm thêm đủ nghề chứ không dám bỏ nghề để đi làm việc khác. Bởi tôi vẫn mong rằng, một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ được ký hợp đồng dài hạn và có những chính sách mới”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện A Lưới có 99 nhân viên cấp dưỡng tại các trường mầm non. Với thu nhập hằng tháng các chị nhận được sau khi đã trừ các khoản theo quy định, mỗi chị chỉ nhận được từ 2,8-3 triệu đồng/tháng.

Đại đa số các chị đều có hoàn cảnh khó khăn, chồng không có việc làm, chưa có nhà cửa, con còn nhỏ, cũng có chị đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, hầu như chị nào cũng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, vì vậy, khó khăn chồng chất khó khăn. Nên mong muốn của nhân viên cấp dưỡng là có chính sách việc làm ổn định, được vào biên chế Nhà nước hoặc được ký hợp đồng không xác định thời hạn, được đóng BHXH, BHYT, BHTN vào thời gian nghỉ hè… để đảm bảo cuộc sống và yên tâm công tác.

Chị Viên Thị Ôn tâm sự: “15 năm nay gắn bó với công việc, lương thấp nhưng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành, bởi vì tôi cũng như các chị em khác luôn nuôi hy vọng sẽ có ngày được làm việc lâu dài và có mức lương phù hợp nhất giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn