MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tận dụng thời gian không tăng ca, chị Nguyễn Thị Thúy dành thời gian để dạy con học. Ảnh: Phương Ngân

Lận đận mưu sinh khi thiếu việc

Phương Ngân  LDO | 22/04/2023 12:00

Nhiều người lao động trong tình trạng giãn việc, ngưng việc tại TP Hồ Chí Minh đang vừa lo toan với cuộc sống hằng ngày, vừa thêm nỗi băn khoăn việc về quê hay bám trụ lại thành phố. Trao đổi với phóng viên, họ đều bày tỏ mong tìm được việc làm, ổn định cuộc sống...

Không được tăng ca, còn phải nghỉ 2-3 ngày/tuần

Trời chập choạng tối, chúng tôi đến dãy trọ trong một con hẻm nhỏ trên địa bàn phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TPHCM), những căn phòng trọ đã sáng đèn, công nhân đều đã đi làm về.

Chị Nguyễn Thị Thúy (28 tuổi, quê Quảng Bình) kể, hai vợ chồng chị cùng làm việc tại một công ty ở tỉnh Bình Dương, công việc hưởng theo sản phẩm, làm nhiều lương nhiều, làm ít lương ít. Nhưng từ tháng 2 đến nay, công ty ít việc, hai vợ chồng chị không được tăng ca, thu nhập cũng vì thế mà giảm đi một nửa.

“Những tháng nhiều việc, hai vợ chồng tôi mỗi người kiếm được hơn 9 triệu đồng. Nhưng mấy tháng nay ít đơn hàng, thu nhập của cả hai người chưa được 10 triệu đồng. Tháng rồi tôi chỉ nhận được 5,8 triệu đồng” - chị Thúy cho biết.

Theo chị Thúy, từ khi công việc khó khăn, ngoài việc không được tăng ca, chị còn phải nghỉ 2-3 ngày/tuần. Sắp tới, công ty dự kiến cho công nhân nghỉ nửa tháng để chờ hàng.

“Công ty dự định cho công nhân nghỉ nửa tháng, đến đầu tháng 5 có hàng mới đi làm lại nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức. Nghe thông tin sắp nghỉ nửa tháng tôi suy nghĩ rất nhiều, nếu nghỉ như thế thì tiền trọ, ăn uống, rồi tiền học của con sẽ làm thế nào. Giờ nếu đi làm bên ngoài thì con đi học không ai đưa đón, nếu về quê thì chỉ đi làm ruộng, làm lúa… thì thu nhập rất bấp bênh”, chị Thúy trăn trở.

Chị Thúy tâm sự, ở thành phố chi phí cao, gia đình có 4 thành viên (3 người lớn), mỗi ngày chị mất 200 nghìn đồng tiền chợ. Từ ngày giảm việc, tiền ăn chỉ giảm còn 1 nửa. Chưa kể, nhiều chi phí khác, nếu không làm ra tiền thì mọi thứ sẽ rơi vào bế tắc.

Đối mặt với nhiều khó khăn

Không may mắn như chị Thúy, 2 tháng nay, anh Ngô Chí Linh (38 tuổi, quê Cà Mau) phải nghỉ việc không lương ở nhà vì không có hàng sản xuất. Trước đây công việc ổn định, mỗi tháng anh Linh kiếm được hơn 8 triệu đồng. Cộng với tiền lương của vợ, hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu cho cuộc sống tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng từ khi anh bị ngưng việc, mọi chi phí đều do đồng lương công nhân ít ỏi của vợ gánh vác. Từ thu nhập của hai người, nay chỉ còn một, cuộc sống của hai vợ chồng anh Linh rơi vào cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau.

Anh Linh chia sẻ, nếu tình hình kéo dài anh sẽ xin nghỉ việc để đi tìm công việc khác trang trải cuộc sống, vì chỉ với đồng lương của vợ sẽ không đủ cho cuộc sống nơi phố thị.

Làm cùng công ty với anh Linh nhưng khác bộ phận, anh Nguyễn Thanh Phong (50 tuổi, quê Cần Thơ), may mắn hơn, một tuần anh Phong vẫn làm việc được 2-3 ngày. Tuy nhiên, 3 thành viên trong gia đình anh chỉ có mình anh đi làm, vợ anh ở nhà nội trợ và trông con, vì thế anh là trụ cột chính trong gia đình.

Nếu làm đủ ngày, một tháng thu nhập của anh được hơn 8 triệu đồng, từ khi công việc khó khăn thu nhập cũng giảm sút. Giờ đây cuộc sống của gia đình anh đang phải đối mặt với khó khăn, thiếu thốn.

“Tiền trọ là bắt buộc phải đóng, nên chúng tôi phải thắt chặt chi tiêu những khoản tiền khác, nhưng tình trạng này kéo dài thật sự rất khó khăn, không biết xoay xở làm sao”, anh Phong chia sẻ.

Những người lao động như chị Thúy, anh Linh hay anh Phong - những lao động điển hình trong số hàng chục nghìn người lao động đang gặp khó khăn. Nỗi lo cơm áo gạo tiền không biết cách nào xoay xở, và về quê hay ở lại đang là nỗi trăn trở trong lòng mỗi người...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn