MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hạnh Hà

Làn sóng cắt giảm nhân sự chưa dừng lại

HẠNH AN LDO | 12/12/2023 12:00

Theo khảo sát của Navigos Group, hiện nhiều ngành nghề gặp khó khăn phải giảm lương 15-20% và phải cắt giảm lao động. Chuyên gia cho rằng, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, bố trí bổ sung nguồn ngân sách cho vay giải quyết việc làm... là một số giải pháp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay.

Những ngành nghề cắt giảm 75% lao động

Báo cáo của Navigos Group dựa trên ý kiến ​​của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam và hơn 550 doanh nghiệp có quốc tịch đa dạng như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Khảo sát cho thấy, tình hình thị trường lao động năm 2023 vẫn còn nhiều thách thức. Những cú sốc và rủi ro toàn cầu như, điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; sức mua sụt giảm ở các thị trường xuất khẩu; xung đột chính trị; lạm phát; giá tăng...

Tại Việt Nam, tình hình lao động cũng gặp khó. Cụ thể, có tới 82,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, họ bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, hơn 68% lựa chọn cắt giảm nhân sự.

Đối với các doanh nghiệp, theo kết quả khảo sát, có tới 454/555 doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường năm 2023, chiếm tỉ lệ 82,2%.

Các doanh nghiệp cắt giảm với quy mô dưới 25% chủ yếu ở các ngành như: Ngân hàng; vận tải/giao nhận/logistics; ôtô; hóa chất/vật liệu xây dựng và bao bì/in ấn/nhựa; dược phẩm, dịch vụ y tế, năng lượng/năng lượng tái tạo và dầu khí; bảo hiểm.

Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự trên diện rộng. Hai ngành dịch vụ tư vấn xây dựng/bất động sản và kinh doanh đều có sự sụt giảm nhân sự từ 50% xuống 75% với cùng tỉ lệ 10% của doanh nghiệp. Riêng dịch vụ tư vấn doanh nghiệp có mức giảm trên 75% nhân sự (chiếm 5%).

Hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, hiện nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đang tăng lên ở cả 2 phân khúc toàn thời gian và bán thời gian, tập trung vào một số nhóm ngành nghề như: thương mại - dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, tài chính - ngân hàng...

“Đặc biệt, nhu cầu tuyển lao động thời vụ, lao động bán thời gian tăng nhanh hơn, nhằm chuẩn bị cho hoạt động của các doanh nghiệp đón nhiều ngày lễ, Tết dịp cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán” - ông Thành cho biết.

Trong tháng 12, ngoài các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, Trung tâm dự kiến phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức thêm một phiên việc làm chuyên đề dành cho đối tượng bộ đội xuất ngũ trước khi ra quân trở về địa phương.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, căn cứ vào tình hình nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, xu hướng tìm kiếm việc của người lao động, đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc biệt là việc làm bán thời gian vào dịp sát Tết Nguyên đán 2024.

Ông Nguyễn Tây Nam - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội - thông tin: Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án giải quyết việc làm, hỗ trợ tạo việc làm trong nước, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn