MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang) trong thời giờ làm việc. Ảnh minh hoạ. Ảnh: N.H

Lắng nghe những kiến nghị của công nhân, người lao động

ANH THƯ LDO | 11/06/2022 12:00
Sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động (CNLĐ), nhiều chính sách, nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của CNLĐ đã được người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành những cơ chế, chính sách, giúp CNLĐ đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc…

Tăng lương tối thiểu vùng qua các năm

Trong những kiến nghị được Tổng LĐLĐVN tổng hợp, rất nhiều người lao động có kiến nghị về việc tăng lương tối thiểu vùng. Về vấn đề này, qua các năm, Chính phủ đều ra nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Cụ thể, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là 7,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2016; mức tăng lương tối thiểu vùng vùng năm 2018 là 6,5% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2017… Duy chỉ có 2 năm bị ảnh hưởng dịch COVID-19, lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh. Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có Tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. 

Theo đó, Bộ LĐTBXH giữ nguyên như dự thảo về mức điều chỉnh lương tối thiểu tháng tăng 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức hiện hành, bắt đầu từ 1.7.2022 do đã được Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm cả đại diện người sử dụng lao động tại Trung ương và Tổng LĐLĐ Việt Nam) phân tích, thương lượng và thống nhất khuyến nghị với Chính phủ. Cụ thể, vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng, vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng, vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng, vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Ngoài lương tối thiểu vùng theo tháng, một điểm mới trong dự thảo này là lần đầu tiên đề xuất lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 1 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong 2 năm qua, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Bộ LĐTBXH được giao chủ trì việc thực hiện các Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 (gói 26.000 tỉ đồng), số 116/NQ-CP ngày 24.9.2021 (gói 38.000 tỉ đồng), số 126/NQ-CP ngày 8.10.2021 của Chính phủ và các Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021, số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1.10.2021, số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Mới đây nhất là Quyết định 08/2022/QĐ-TTg hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, giúp phục hồi thị trường lao động.

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là trên 33.564 tỉ đồng, hỗ trợ gần 30,4 triệu lượt đối tượng (gồm 378.331 lượt đơn vị sử dụng lao động, trên 30 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).

Đối với Nghị quyết số 116/NQ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành việc thông báo điều chỉnh mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền khoảng 7.595 tỉ đồng.

Tính đến hết ngày 31.12.2021, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đã chi trả chế độ hỗ trợ từ nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho gần 12,968 triệu lao động với số tiền gần 30.804 tỉ đồng.

Liên quan đến gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, theo thống kê của Bộ LĐTBXH, đến ngày 3.6.2022, đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp. Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỉ đồng. Hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỉ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỉ đồng.

Như vậy, từ những kiến nghị chính đáng của công nhân, người lao động, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định, chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách đem lại lợi ích thiết thực cho công nhân, lao động, đặc biệt trong bối ảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn