MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam Trần Văn Thuật phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Sơn Tùng

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh: Người lãnh đạo mẫu mực của phong trào công nhân

VƯƠNG TRẦN –TẤT THẢO (LƯỢC GHI) LDO | 01/02/2018 14:00
Tham dự Hội thảo khoa học "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thái Bình" do Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức sáng 1.2, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã có bài tham luận nêu bật công lao của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào cách mạng và phong trào CN, tổ chức CĐ Việt Nam.

Hành trình từ một thanh niên yêu nước đến giác ngộ lý tưởng cách mạng

Từ khi còn là học sinh ở quê nhà và trường Thành Chung, Nam Định, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2.2.1908) tham gia hoạt động sôi nổi trong các phong trào yêu nước.

Cuối năm 1926, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội sinh sống và hoạt động. Tại đây, đồng chí tham gia sinh hoạt tại Nam Đồng Thư xã. Trong quá trình lao động cực khổ, chứng kiến sự bóc lột và những bất công mà người lao động phải gánh chịu, đồng chí đã nhận ra sức mạnh và tiềm năng to lớn của lực lượng công nhân.

Mùa thu năm 1927, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để gặp gỡ và tìm hiểu về Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đây là bước ngoặt quyết định trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh. Từ đây, đồng chí thực sự đứng trên lập trường của giai cấp công nhân trong hoạt động giải phóng dân tộc.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Sơn Tùng

Cuối năm 1927, đồng Nguyễn Đức Cảnh trở về Việt Nam và hoạt động trong tổ chức Thanh niên Bắc Kỳ. Tháng 2.1928, đồng chí được phân công làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên rồi sau đó là Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách khu Duyên Hải bao gồm cả Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc.

Thông qua phong trào “vô sản hóa”, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dìu dắt nhiều đồng chí khác trưởng thành như Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Hới, Hoàng Quốc Việt… Đồng chí cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thâm nhập vào phong trào công nhân, vì chỉ có thâm nhập vào phong trào mới gieo được hạt giống cách mạng trong công nhân.

Từ ngày 3-7.2.1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ở Hương Cảng, Trung Quốc. Tại hội nghị, đồng chí đã có những nhận định đúng đắn và tán thành quan điểm của Nguyễn Ái Quốc về tiến trình cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng.

Người sáng lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người có nhiều đóng góp cho công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng. Ngay từ đầu tháng 7.1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã liên hệ với những người đi “Vô sản hóa” ở Hà Nội, Nam Định…, nắm bắt tình hình đấu tranh của CN; chủ trương tổ chức một số cuộc bãi công để qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm.

Ngày 28.7.1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội đỏ ở các tỉnh phía bắc, họp tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội. Hội nghị đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, nhất trí thông qua chương trình, điều lệ, phương hướng hoạt động và bầu BCH lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng.

Hội nghị còn quyết định xuất bản báo “Lao Động” và tạp chí “Công hội Đỏ” làm cơ quan thông tin, tuyên truyền, lý luận. Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ được thành lập đã tác động mạnh mẽ đến phong trào CN cả nước.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với tầm nhìn chiến lược của mình cho rằng: “Tuy danh nghĩa mang tên là Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ nhưng tổ chức này phải là tổ chức công hội của thợ thuyền cả nước, phải nhanh chóng quy tụ các cơ sở công hội khắp cả nước, phải là mảnh đất tốt cho hạt giống công hội đỏ gieo hạt và nảy mầm”.

Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ ra đời là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành và thống nhất của giai cấp công nhân, đặt dưới sự chỉ đạo của BCH lâm thời Công hội do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu. Cũng từ đây, nhiều cuộc đấu tranh lớn đã được Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn