MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Cẩm Vân chưa xin được việc làm mới sau gần 2 tháng nghỉ việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Ảnh: Hoàng Lộc

Lao động bị cắt giảm ở TPHCM trở về quê chật vật tìm việc

HOÀNG LỘC LDO | 10/08/2023 06:30

Nhiều lao động mất việc làm do các công ty gặp khó khăn về đơn hàng, sau khi trở về quê càng chật vật tìm việc, đặc biệt với những lao động lớn tuổi.

Gian nan đường về quê của lao động mất việc

Gần 2 tháng nghỉ việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (TP Hồ Chí Minh) do bị cắt giảm lao động, vợ chồng bà Lê Thị Cẩm Vân (Phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) trở về quê, đi gõ cửa khắp nơi nhưng vẫn chưa xin được việc làm mới.

Bà Vân cho biết, bà từng làm việc ở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam hơn 13 năm, thu nhập hàng tháng trên 10 triệu đồng. Chồng bà cũng làm việc cho một công ty sắt ở quận Bình Tân với mức lương hàng tháng trên 6 triệu nên cuộc sống gia đình tạm ổn.

“Còn hiện nay, Công ty PouYuen cho nghỉ việc, tôi phải về quê sinh sống. Công ty sắt của nơi chồng tôi làm việc mỗi tuần chỉ làm 3 ngày, những ngày còn lại phải về TP Sa Đéc làm phụ hồ kiếm thêm để trang trải cuộc sống gia đình, lo cho cha mẹ già ngoài 80 tuổi”, bà Vân cho biết thêm.

Với hoàn cảnh này, bà Vân chưa biết phải làm việc gì. “Xin việc làm mới ở các công ty thì không được do đã lớn tuổi, còn nếu làm ở các công ty, cơ sở nhỏ thì có mức lương thấp, không được tham gia các loại bảo hiểm”, bà Vân nói thêm.

This browser does not support the video element.

Bà Lê Thị Cẩm Vân (45 tuổi ở phường 2, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, bản thân lớn tuổi khó xin việc làm. Video: Hoàng Lộc

Cũng chung hoàn cảnh lớn tuổi, mất việc, ông Đinh Văn Út (sinh năm 1975, ở ấp Long Thành A, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) hiện không có việc làm ổn định. Ai thuê việc gì làm việc nấy, vợ ông thì làm lưới thuê hàng ngày tại địa phương.

Ông Út cho biết, gia đình có 4 người từng làm việc ở một công ty may ở TP. Hồ Chí Minh gần chục năm. Nhưng giờ phải chấm dứt hợp đồng lao động hơn 1 tháng qua do công ty không có đơn hàng sản xuất.

“Vợ chồng tôi đã đi xin việc nhiều công ty, nhưng không được nhận vì các công ty chỉ tuyển lao động từ 18 - 35 tuổi, hoặc có tay nghề. Còn tôi và vợ vừa lớn tuổi, vừa không có tay nghề nên đành chịu thất nghiệp”, ông Út cho biết thêm.

Kết nối với doanh nghiệp để giới thiệu việc làm

Ngày 9.8, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp - thông tin, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) đã tiếp nhận gần 9.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở các ngành, nghề dệt may, giày da, chế biến thủy sản, hải sản,… Đa số người lao động bị cắt giảm là lao động không có tay nghề, chưa qua đào tạo, lớn tuổi (từ 30 tuổi trở lên).

Nhiều người mất việc làm, khó xin việc làm mới do lớn tuổi, không có tay nghề. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo bà Tuyết, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo Trung tâm DVVL chủ động nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động khi có nhu cầu.

Ngoài ra, Trung tâm DVVL cũng đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm trực tiếp, 2 phiên trực tuyến và tăng cường tư vấn việc làm cho người lao động bằng nhiều hình thức như gọi điện thoại, qua website, Facebook, Zalo, Fanpage,…

"Thông qua các hình thức trên, từ đầu năm đến nay, Trung tâm DVVL đã thực hiện tư vấn cho 56.632 lượt lao động; giới thiệu việc làm, việc làm mới trong và ngoài tỉnh cho 20.118 lượt lao động", bà Tuyết cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn