MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân nhà máy chế biến xuất khẩu tôm đông lạnh tỉnh Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Lao động các tỉnh ĐBSCL tìm đường trở lại nhà máy

NHẬT HỒ LDO | 29/09/2021 07:52
Hàng trăm ngàn lao động tại tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đang mất việc tạm thời do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Hầu hết đều muốn có việc làm, muốn lao động để mưu sinh thời hậu COVID-19.

Tìm đường quay lại nhà máy, xí nghiệp

Tỉnh Cà Mau có khoảng trên 200.000 lao động phải xa quê, tìm việc làm ngoài tỉnh. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 người mất việc kẹt lại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... người quay về nhà chờ việc.

Anh Nguyễn Văn Trạng (xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết: “Em cùng nhiều anh em công nhân cùng quê khác còn ở tỉnh Đồng Nai mấy tháng nay chưa đi làm được vì công ty đã đóng cửa. Em chỉ mong cho công ty mở cửa trở lại để tiếp tục làm việc. Dịch bệnh, ai cũng sợ, cùng lo nhưng về quê biết lấy gì sống bây giờ hả anh”.

Trong khi đó, chị Hoàng Thị Mai (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đã về quê 2 tháng nay mong muốn trở lại TPHCM để làm việc. Chị Mai cho biết: “Em đã nhận được giấy của công ty gọi trở lại làm việc rồi, nhưng hiện tại từ tỉnh Cà Mau đi TPHCM chưa có xe khách nào vận chuyển hết nên giờ  cũng chẳng biết làm sao”.

Trần Văn Vịnh (xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) cùng vợ đi lao động tại Đồng Nai chọn giải pháp ở lại chờ nhà máy hoạt động trở lại để tiếp tục con đường mưu sinh của mình. Vịnh cho biết: “Em cho vợ em về vì cô ấy đã có mang gần 7 tháng. Em ở lại chờ công ty mở cửa trở lại để làm việc. Nếu hai vợ chồng đều về quê hết thì lấy tiền đâu để nuôi thân, nuôi con”.

Khuyến cáo người lao động ở lại nơi làm việc

Trước tình trạng nhiều lao động muốn về quê, Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau khuyến cáo lao động quê tỉnh Cà Mau nên ở lại nơi làm việc thay vì về lại quê nhà. Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh cho biết: “Cà Mau đã có kế hoạch đào tạo và giải quyết việc làm. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu phấn đấu, giải quyết việc làm cho 200.000 lao động, bình quân hằng năm là 40.000 lượt lao động; đào tạo nghề cho 140.000 lao động, trong đó đào tạo chất lượng tay nghề cao khoảng 13.400 người. Tuy nhiên hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc làm tại chỗ rất khó khăn”.

Trong khi đó, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Sóc Trăng, ông Võ Thanh Quang cho biết, tình hình lao động tại chỗ khá ổn định, do các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh đã hoạt động trở lại. Khó nhất là lao động tỉnh Sóc Trăng đi lao động ở các tỉnh bạn nhiều người chưa trở lại làm việc được.

Tại Bạc Liêu, UBND tỉnh cũng chính thức kêu gọi người dân Bạc Liêu đang sinh sống học tập, lao động tại vùng có dịch ai ở đâu ở yên đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn