MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động tìm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Chi

Lao động chờ tìm việc bấp bênh sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp

Quỳnh Chi LDO | 22/11/2022 07:53
Mất việc là nỗi sợ của bất cứ người lao động nào, đặc biệt, mất việc thời điểm cận Tết thì sự khó khăn càng nhân lên gấp bội. Thay vì tính toán tiền lương, thưởng Tết sau 1 năm vất vả làm việc, thời điểm này, nhiều người lao động đang hối hả làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp để có tiền trang trải cuộc sống tối thiểu, chờ tìm việc làm mới.

Ăn mì tôm chờ việc

T.A.T là nhân viên kế toán của hệ thống nhà hàng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mất việc giữa tháng 11, T thường xuyên đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời đăng ký tìm việc làm và tham gia các phiên giao dịch việc làm do đơn vị này tổ chức.

“Tôi làm giờ hành chính, lương khoảng 8 triệu đồng/tháng. Thuê nhà, ăn tiêu, xăng xe đi lại nên gần như tháng nào tiêu hết tháng đó, không có tích lũy gì. Giờ mất việc tôi phải vay tạm tiền của bạn bè để sống, chờ tiền bảo hiểm thất nghiệp đồng thời cố gắng tìm việc làm”, T nói.

Là công nhân làm việc tại Cụm công nghiệp Phú Minh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Anh Đàm Văn Quang, quê ở huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) mới nghỉ việc do công ty ít đơn hàng, lao động đi làm luân phiên. Từ thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng, 2 tháng nay anh Quang chỉ nhận hơn 4 triệu đồng/tháng.

 “Số tiền lương như vậy ngay cả với một người độc thân như tôi cũng không đủ để chi tiêu, sinh sống. Ngày nào tôi cũng đi tìm việc, chỉ mong nhanh tìm được việc làm trước Tết. Tôi đang chờ nhận bảo hiểm thất nghiệp để có tiền trả nợ thuê trọ, điện nước...”, anh Quang rầu rĩ nói.

Người lao động nắm vững chính sách để đảm bảo quyền lợi

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến tháng 10.22 đơn vị này ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử, kế toán, thợ may thêu, kỹ thuật xây dựng là những ngành nghề có lượng lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất.

 Trong đó, 70% người đăng ký hưởng trợ cấp từ 25 đến 40 tuổi, tỉ lệ nữ cao hơn nam. Mức hưởng bình quân 4,35 triệu đồng mỗi tháng với thời gian hưởng 5,5 tháng.

Về tình trạng mất việc cuối năm, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, đây là giai đoạn phục hồi của thị trường lao động, song vẫn có những doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch.

Ông Trung cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động. 

Cùng với đó, tăng cường đào tạo nghề dự phòng cho họ. Các đơn vị lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.

“DN nên cố gắng giữ người lao động. Thời điểm này có thể tổ chức nâng cao trình độ cho người lao động. Sau đó, tái cấu trúc, chuyển đối cơ cấu ngành nghề tiếp nhận đơn hàng trong thời gian tới” - ông Trung nói.

Với những doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề việc làm, cần phải hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt vấn đề tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Trung cũng lưu ý người lao động cần biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. 

Thời gian này, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức. Bên cạnh đó, họ cần chủ động với Trung tâm dịch vụ việc làm để được sắp xếp, bố trí việc làm.

“Trung tâm Dịch vụ việc làm địa phương cần nắm thông tin thị trường lao động để cung ứng lao động cho các đơn vị. 

Cố gắng giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn” - ông Trung nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn