MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ trái sang: Các nhà văn Y Ban, Vũ Thảo Ngọc, Võ Thị Xuân Hà, Đinh Phương, Nguyễn Mạnh Hùng cùng các thợ mỏ tại Công ty Khe Chàm. Ảnh: Nhà văn Y Ban

Lao động của nhà văn

BÙI VIỆT THẮNG LDO | 24/01/2023 13:18

Nhà văn là người học nghề mê mải, suốt đời phấn đấu cho danh hiệu “triệu phú chữ”, với phương châm “sống rồi mới viết”.

Từ kinh nghiệm của tiền nhân

Có thể nói không quá, tiểu thuyết "Vùng mỏ" (1951, Giải Nhất Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam, 1951-1952) của Võ Huy Tâm (1926-1996) là tác phẩm có ý nghĩa “khai sơn phá thạch” về đề tài công nghiệp - công nhân - Công đoàn trong văn học Cách mạng Việt Nam (từ sau năm 1945). Những kinh nghiệm về lao động nhà văn được ông chia sẻ có ý nghĩa với các thế hệ sau: “Đến cuối năm 1949, tôi viết bài "Người thợ mỏ thời Tây" đọc lên hợp cảnh rất nhiều người (và hợp cảnh cả tôi nữa), nên nhiều người đọc hoặc nghe xong đã khóc...

Tôi thấy cần phải có một bộ sách như "Tam Quốc" mới có thể nói lên hết được. Tôi lấy lại những chuyện từ xưa đến nay, mà tôi là người trong hoàn cảnh hoặc đã chứng tỏ kiến, đem sắp xếp lại cho có mạch lạc, rồi viết theo lối truyện "Tam Quốc", viết được hồi nào tôi lại đọc cho một số anh em nghe. Họ khen hay nhưng khuyên nên bỏ cái hồi thứ... và hai câu thơ ở đầu cho khỏi cổ.

Tôi đồng ý sửa lại ngay và đặt cho nó cái tên "Đình công", sau mới đổi là "Vùng mỏ" cho rộng nghĩa hơn. Viết hơn 1 năm mới xong tập 1, chưa đạt được phần nhỏ ý định của tôi” (trích từ sách "Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học 1945-1954: Hồi ức, kỷ niệm", NXB Khoa học xã hội, 1995, tr. 357 - 358).

Đúng như tự bạch của Võ Huy Tâm, nhiều khi cầm bút viết văn đầu tiên chưa hẳn là sự lóe sáng của tài năng mà bắt đầu từ tinh thần lao động thực thụ: “Cần cù bù năng lực”, “Mài sắt nên kim”.

Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) là cây bút tài hoa, duy mỹ, chuyên săn tìm cái thật và cái đẹp, đồng thời người đọc biết ông là một “lão nông tri điền” trên cánh đồng chữ nghĩa. Để viết được tập ký "Sông Đà", với ý nghĩa như một bài ca về vẻ đẹp lao động và con người lao động thời đại mới, nhà văn đã dành nhiều thời gian đi thực tế (tựa như một ông giáo “cắm bản”) vùng rừng núi thiên nhiên Tây Bắc núi non hùng vĩ, sông nước thác ghềnh hiểm nguy.

Nhưng đáng nể phục hơn là ông đã kỳ công vào các thư viện lớn ở Hà Nội tìm đọc hàng nghìn trang sách về địa lý, địa tầng, thổ nhưỡng, khí tượng, thủy văn, thực vật, thủy sinh, lao động sông nước... Đọc đến mức chi ly để biết một con ong muốn làm ra 100 gram mật ngọt thơm dâng cho người thì phải bay đi hàng trăm cây số để hút chất ngọt từ nhụy các loài hoa. Lại nữa, để viết được một bài ký hay về chiếc cầu trên sông giới tuyến Bến Hải, nhà văn đã lăn lộn vào thực tế như một chiến binh:

“Tôi nằm ở giới tuyến sáu tháng để tìm hiểu thật chi tiết, thật tỉ mỉ về con sông tuyến và chiếc cầu tuyến. Suốt con sông tuyến tôi đếm được bên này có 133 cột mốc bên kia có 141 cột. Bên này có 9 trạm gác bên kia có 8 đồn bốt. Tôi đã ra đến giữa cầu để đếm có 450 thanh gỗ lát trên cầu Hiền Lương phần bên mình, phần bên kia tôi không sang được tôi nhờ một anh công an bờ Bắc sang làm việc với chúng nó bên bờ Nam đếm hộ, lúc đầu tôi thấy bên bờ Nam ít thanh gỗ hơn, tôi ngờ ngợ, nhờ anh ta đếm lại.

Lần thứ hai anh công an cũng xác nhận là 444 thanh tôi mới chịu. Tôi nằm ở giới tuyến lâu đến nỗi có thằng ghét mình nói mình chuẩn bị vượt tuyến cơ mà!” (sách "Ngọc Trai - Trò chuyện với nhà văn Nguyễn Tuân", NXB Hội Nhà văn, 2010, tr. 20-21).

Nhà văn là người lao động đặc thù

"Lao động nhà văn" của  A.Xâytlin (Hoài Lam và Hoài Li dịch, hai tập - NXB Văn học 1968) là một cuốn sách có ý nghĩa như một cẩm nang hay với người sáng tác văn chương. Lao động viết văn có tính cá thể hóa cao độ, thể hiện tài năng của chủ thể như những phong cách độc đáo. Người ta còn xác định thêm, lao động sáng tạo là tìm sức mạnh trong cô đơn (như mặt trái của tình yêu).

Nhà văn Ma Văn Kháng là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam đương đại, đồng thời là người biết cách rút tỉa từ thực tế sáng tác những bài học về lao động viết văn qua cuốn sách thú vị và bổ ích với người đọc "Phút giây huyền diệu" (tiểu luận và bút ký về nghề văn, NXB Hội Nhà văn, 2013).

Nhà văn đặc biệt nhấn mạnh đến nhân tố “học, học nữa, học mãi” để duy trì bút lực viết: “Tôi không thể hình dung ai đó có thể dám viết một cuốn tiểu thuyết mà không có ít nhất một khái niệm mơ hồ về 10.000 năm văn chương trước mình. Sau cùng, anh ta phải đặt cho mình một cách làm việc hằng ngày, vì cảm hứng không phải tự trên trời rơi xuống! Cần phải làm việc hằng ngày với từng từ một. Viết là một nghề, một nghề gian khổ, đòi hỏi tập trung và kỷ luật cao độ” ("Phút giây huyền diệu", tr.55).

Nhà thơ Xuân Diệu (1916 -1985), khi sức khỏe không còn dư dật, vẫn miệt mài đọc và viết say mê. Tiểu luận cuối cùng "Sự uyên bác với việc làm thơ" (hơn 8.000 chữ), được ông viết với ý định trình bày trực tiếp trước Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc (1985).

Nhưng đã không kịp. Tuy nhiên trong buổi khai mạc đã có đồng nghiệp trình bày giúp (vì tối hôm trước thi nhân đã rời cõi tạm). Đó ắt hẳn là một tấm gương lao động nghệ thuật.

Lao động nhà văn: “Đi - đọc - viết”

Chi hội Nhà văn Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) vừa cử đoàn đi thực tế vùng than Quảng Ninh, theo phương châm “sống đã rồi hãy viết”. Thực tiễn văn chương cho thấy, muốn có tác phẩm tốt nhà văn không thể chỉ bó mình trong “tháp ngà”, trong “tiểu vũ trụ”, theo một động hướng “tự ngã trung tâm”. Không ít nhà văn thế gần đây lại hành xử với lao động viết văn theo tâm thế “viết đã rồi mới sống”, hay trung tính hơn thì “vừa viết vừa sống”. Cũng không có gì là không đúng, nhưng chưa đạt tới điều kiện cần và đủ của lao động viết văn.

Người ta thường hay nỉ non về sự nhàn cư của văn nhân, coi sự viết văn là một cách phóng chiếu bản thân, cái viết ra chỉ nhằm thù tạc, cao hơn thì “nói chí”. Nhưng Đại thi hào Nguyễn Du viết nên tuyệt phẩm "Truyện Kiều" là đã “trải qua một cuộc bể dâu”. 

Ai đó nói viết văn là lao động nhàn nhã, nhiều vinh quang nhưng không biết được bao cay đắng sau từng con chữ, chủ nhân của nó đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Khó khăn thay với những ai ảo tưởng về lao động viết văn, coi nó là nhẹ trong khi rất nặng... Hà Nội, đón đợi Xuân Quý Mão 2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn