MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động đi nước ngoài đeo khẩu trang, xếp hàng kín hành lang bệnh viện

Tùng Giang LDO | 14/02/2020 13:04

Dù nhiều nơi đang trải qua tình trạng vắng vẻ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tại khu vực khám sức khỏe dành cho lao động đi làm việc nước ngoài ở một số bệnh viện, luôn chật ních người rồng rắn xếp hàng.

Ngày 14.2, theo ghi nhận của phóng viên, tại Bệnh viện Giao thông Vận tải (phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội) hay Bệnh viện Đa khoa Tràng An (Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội), từ sáng sớm, hàng trăm người đã đổ xô đến đây để mua hồ sơ làm thủ tục khám sức khỏe. Đa số người dân là lao động đến khám sức khỏe để làm hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động đi nước ngoài đổ xô đến bệnh viện để khám sức khỏe. Ảnh: Tùng Giang.

Theo tìm hiểu, nhiều lao động có mặt tại các phòng, khoa khám sức khỏe nước ngoài đều ứng tuyển đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Do phải chờ đợi lâu, Chị N.T.T (sinh năm 1994, Hải Dương) cho hay: "Mình đến đây làm thủ tục để khám sức khỏe từ lúc 7h30’ sáng nhưng đến 9h vẫn đang xếp hàng chờ đợi. Thông thường các đợt trước tôi khám chỉ khoảng 1 giờ là có kết quả".

Người lao động xếp hàng kín hành lang các phòng để chờ khám. Ảnh: Tùng Giang.

Qua quan sát, tại các phòng khám nội, xét nghiệm máu, chụp X - Quang, da liễu... người ra vào đông đúc, khách xếp hàng ken đặc các hàng lang. Nhiều khu vực được bố trí bác sĩ túc trực trước cửa để hướng dẫn người lao động xếp hàng, ra vào đúng lượt để giảm nhiệt tình hình.

Theo một bác sỹ ở Bệnh viện Đa khoa Tràng An, cứ ra Tết, số người đi khám sức khỏe làm việc ở nước ngoài  có xu hướng tăng cao so với các tháng trong năm.

Nhiều người lao động cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi lâu. Ảnh: Tùng Giang.

"Điều kiện chung là người lao động phải có sức khỏe tốt, phù hợp với ngành nghề, không mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh cấp tính, mãn tính chưa chữa khỏi hay người bị dị tật giác quan, dị tật cơ quan vận động, phụ nữ mang thai", vị bác sĩ thông tin.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), những năm gần đây, số lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường Nhật Bản tăng nhanh.

Người lao động vây kín chờ nhân viên y tế trả kết quả. Ảnh: Tùng Giang.
Cụ thể theo con số thống kê, từ hơn 54.500 người Việt đi làm việc tại thị trường Nhật Bản vào năm 2017, tăng 82.000 người vào năm 2019 (chiếm hơn 50% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2019).

Cục Quản lý lao động ngoài nước dự báo, năm 2020, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi chương trình kỹ năng đặc định được triển khai.

Nhân viên y tế làm việc không ngưng nghỉ. Ảnh: Tùng Giang.

Trao đổi với báo chí, Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, trước tình hình dịch COVID-19, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trao đổi với đối tác nước ngoài để tạm thời lùi thời gian xuất cảnh đối với lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước có các trường hợp nhiễm Covid-19.

"Trong trường hợp cần thiết xuất cảnh, doanh nghiệp phải quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động", ông Liêm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn