MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành (An Giang) tất bật sản xuất trước ngày nghỉ Tết. Ảnh: Phong Linh

Lao động hăng say, công nhân chờ sum vầy bên gia đình

PHONG LINH - BÍCH NGỌC LDO | 02/02/2024 09:39

Tuần làm việc cuối cùng của năm, nhiều công nhân, người lao động tại các tỉnh, thành miền Tây vẫn hăng say sản xuất, trông chờ ngày nghỉ Tết để sum vầy cùng gia đình.

Hăng say làm việc

Khi mai vàng ra nụ, sắc Xuân tràn ngập trên khắp đường quê cũng là lúc nữ công nhân Nguyễn Thị Đến (Công ty giày da ở Hậu Giang) mong chờ ngày nghỉ Tết để sum họp với gia đình. Hoàn cảnh gia đình không khá giả (chồng làm thuê, chị làm công nhân với mức lương 7 triệu đồng/tháng) nhưng cả hai luôn trân quý ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

“Mỗi năm mới có 1 lần, Tết làm tôi cảm thấy được thư giãn và có thêm năng lượng, do đó khác với mọi người sợ chi tiền Tết thì tôi lại rất vui vì được dành thời gian cho chồng con. Nghĩ đến cảnh đó, tôi luôn chăm chỉ làm việc, chạy năng suất để làm xong công việc, yên tâm về sớm sửa soạn nhà cửa, mua sắm đồ Tết” - chị Đến cho hay.

Theo đó, những ngày này, chị thường đi làm sớm hơn khoảng 10 phút để ngắm nhìn chợ Tết và một số mặt hàng hoa cảnh, đồ trang trí. Chiều về, chị sẽ tính toán chi tiêu để mua thêm một vài món vật dụng trong nhà để kịp đón Tết.

Tương tự, chị Phan Thị Kim Thùy (1992, Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành, tỉnh An Giang) cũng cho hay: “Số lượng hàng hóa những ngày cận Tết về khá nhiều, đó là niềm vui của công nhân chúng tôi khi có thể kiếm được nhiều tiền mà chăm sóc cho gia đình.

Mấy hôm nay tôi làm việc rất hăng say, năng suất tăng tăng lên khoảng 30% so với ngày thường vì thấy không khí nhộn nhịp. Tôi đang nôn nóng chờ ngày nghỉ Tết để dành toàn thời gian dọn dẹp nhà cửa, mua sắm một số hoa quả, thịt, rau... để ăn Tết”.

Được biết, năm nay mức thưởng Tết của công ty chị Thùy khá tốt, đủ để công nhân trang trải mùa Tết và biếu tặng gia đình. Chị Thùy cũng cho biết, sẽ chi một số nhỏ tiền để làm đẹp cho bản thân, hòa chung không khí vui Xuân đón Tết với mọi người.

Mong ngày về quê

Đã hơn chục năm làm công nhân ở Bình Dương, nhưng anh Nguyễn Tuấn Cường (Công ty Hải Lam, Bình Dương) vẫn ngóng chờ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để về quê Kiên Giang.

Trong cuộc trò chuyện điện thoại với phóng viên Báo Lao Động, nam công nhân bộc lộ nhiều xúc động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc trở về quê hương dịp Tết ví như “được mẹ vỗ về”.

“Tôi ở đất khách nhiều năm nên mỗi lần Tết đến là nôn nao về quê. Tôi thích không khí Tết ở quê hương, ngắm hoa, ngắm sông nước, ngắm bà con phấn khởi chúc mừng nhau. Năm 2023 lại là một năm khó khăn với gia đình tôi, nhiều chi phí phải lo trong khi sức khỏe cha mẹ thì ngày một kém, con cái cần nhiều tiền để đi học nên việc về quê lần này có ý nghĩa quan trọng, tôi nghĩ sẽ giúp tôi giảm tải áp lực rất nhiều” - anh Cường nói.

Hiện, anh Cường đã lên kế hoạch mua sắm đồ Tết và đi chơi cùng gia đình. Đến ngày nghỉ anh sẽ đi mua cho cha mẹ, con gái quần áo để về quê ăn Tết; góp một 1 triệu đồng tiền mặt để mẹ mua thịt, cá, rau làm món ăn cúng ông bà; các mùng 1,2,3, nam công nhân sẽ đưa con gái về nhà ngoại để thăm ông bà và dành thời gian họp mặt bạn bè.

“Chỉ vài ngày nữa tôi sẽ được nghỉ Tết về quê Thanh Hóa. Tôi phấn khởi lắm! Mấy hôm nay không khí Tết ở nơi làm việc rất nhộn nhịp, mọi người tất bật làm việc để chờ kỳ nghỉ lớn nhất trong năm. Tôi mong năm nay được nghỉ Tết trọn vẹn”, anh Nguyễn Xuân Hiếu (nhân viên kế toán tại Quỹ tín dụng nhân dân Mekong) bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn