MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh thủ lúc vắng khách, những lái đò ở đây đọc những tài liệu liên quan đến du lịch về Tràng An. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Lao động lái đò gia nhập công đoàn

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 16/03/2019 13:46
Khu du lịch sinh thái Tràng An nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tràng An (Ninh Bình), hiện đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 1.500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng. 100% người lao động ở đây đều tham gia tổ chức công đoàn, công việc hằng ngày là lái đò để đưa du khách đi tham quan các danh thắng tại Tràng An. Họ được ví như những “nghệ sĩ lái đò” trên bến Tràng An.

100% người lao động tham gia tổ chức công đoàn

Chị Hoàng Thị Thu Hường - Chủ tịch Công đoàn Khu du lịch sinh thái Tràng An - cho biết, hiện ở khu du lịch có gần 1.500 lao động, trong đó có khoảng 1.300 người làm nghề lái đò, tất cả họ đều là người địa phương. Khi được nhận vào làm việc tất cả đều phải qua sát hạch để lấy chứng chỉ lái đò. Ngoài ra họ còn được tập huấn những kỹ năng về hướng dẫn viên du lịch, về cứu hộ, cứu nạn… được trang bị đò, áo phao, đồng phục. Công đoàn của công ty mới được thành lập từ tháng 11.2018, với 100% người lao động ở đây tham gia vào tổ chức công đoàn của công ty.

“Từ khi thành lập tổ chức công đoàn, bộ phận lái đò được chia thành 28 tổ, mỗi tổ từ 20 đến 45 người, trong đó có tới 80% số lao động là phụ nữ. Mỗi tổ chúng tôi đều bầu ra một tổ trưởng để làm nhiệm vụ phân đò và sắp xếp cho du khách lên đò. Đối với mỗi tổ trưởng thì hằng tháng được thêm 200.000 đồng tiền trách nhiệm” - chị Hường chia sẻ.

Chị Hà Thị Chiến, một lái đò ở đây cho biết, cả hai vợ chồng chị cùng làm lái đò ở đây, từ khi tham gia vào tổ chức công đoàn. Các ngày lễ ngày tết, vợ chồng chị được tham gia các hoạt động vui chơi văn hóa, văn nghệ do công đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, khi ốm đau hay gia đình gặp khó khăn thì tổ chức công đoàn đều đứng ra vận động ủng hộ để giúp đỡ. “Đợt Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua, ngoài quà tết do công ty tặng, mỗi người chúng tôi ở đây cũng đều nhận được một phần quà riêng do công đoàn dành tặng” - chị Chiến chia sẻ.

Lái đò kiêm “hướng dẫn viên du lịch”

Đặt chân lên thuyền, du khách vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp của non nước Tràng An và được những người lái đò ở đây giới thiệu một cách chi tiết về các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người Tràng An. Từ sự tích Hang Ba Giọt đến những câu chuyện lịch sử về Phủ Khống, Đền Trình về vùng đất Tràng An xưa kia… Tất cả đều được những lái đò ở đây giới thiệu không kém gì một hướng dẫn viên chuyên nghiệp.

“Mỗi lái đò ở đây đều là một hướng dẫn viên du lịch. Khi được nhận vào làm ở đây, chúng tôi được công ty tổ chức cho thi sát hạch để lấy chứng chỉ lái đò. Ngoài ra, chúng tôi còn được tổ chức cho học các lớp nghiệp vụ về du lịch, cứu hộ, cứu nạn… Nên hầu hết lái đò ở đây đều có kiến thức về du lịch để giới thiệu cho du khách hiểu về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người Tràng An” - chị Phạm Thị Mùi, một lái đò ở đây chia sẻ.

Chị Trần Thị Sửu (một lái đò ở Bến thuyền Tràng An) cho biết: Từ khi Quần thể danh thắng Tràng An đi vào hoạt động đã mang lại công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương sống quanh khu vực di sản. Trước đây, nếu làm ruộng thu nhập bấp bênh, thường xuyên mất mùa, người dân chúng tôi phải bỏ làng đi làm ăn xa.

“Gia đình tôi có 5 người đều làm lái đò ở đây, bình quân mỗi ngày tôi chở từ 2 đến 3 chuyến, mỗi chuyến được trả 200.000 đồng. Công việc tuy có vất vả nhưng đổi lại thu nhập cao, kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn nhờ nghề chèo đò” - chị Sửu nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn