MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động mong có cơ chế tính lương hưu phù hợp với các năm đóng bảo hiểm xã hội thấp. Ảnh: NVCC.

Lao động lâu năm ngoài Nhà nước mong có cơ chế tính lương hưu phù hợp

Mạnh Cường LDO | 10/11/2023 18:13

Lương hưu của người lao động ngoài Nhà nước hiện được tính theo mức bình quân tiền lương tổng các năm đóng bảo hiểm xã hội. Theo người lao động, đây là cách tính khá thiệt thòi với người đi làm trước năm 2010, bởi thời gian này, mức lương đóng của họ rất thấp.

Ông Nguyễn Thành Thục (52 tuổi) - nhân viên kinh doanh tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bắt đầu đóng bảo hiểm từ năm 30 tuổi. Lúc đó là năm 2001, lương cơ bản rất thấp, chỉ hơn 200.000 đồng.

Bây giờ nếu nghỉ làm, chờ đến 62 tuổi rồi hưởng lương hưu, ông Thục nhẩm tính chưa được nổi 2,4 triệu đồng. Lý do vì ông có hơn 10 năm đóng bảo hiểm mức thấp, đồng thời tỉ lệ hưởng cũng không cao (49%). Vì thế, ông Thục vẫn phải cố gắng làm đến khi không thể để về hưu đỡ lo lắng.

So sánh với một người đồng nghiệp mới 37 tuổi, đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, ông Thục ngậm ngùi: “Bình quân lương đóng bảo hiểm 10 năm của người đồng nghiệp đã được 3,7 triệu đồng, trong khi bình quân 22 năm của tôi chỉ có 4,8 triệu đồng, đóng thêm vài năm nữa là đuổi kịp tôi rồi”.

Ông Thục cho rằng dù có hệ số trượt giá cũng không đáng kể. Giá trị số tiền đóng bảo hiểm 20 năm trước lớn hơn hàng chục lần so với bây giờ. Nhà nước không nên lấy đó làm căn cứ tính lương hưu cho người lao động.

Vì vậy, ông Thục hy vọng có một cách tính lương hưu phù hợp với các năm đóng sớm. “Nếu mức đóng dưới 500.000 đồng thì nhân 4 lần, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng thì nhân 3 lần, từ 1 đến 1,5 triệu đồng thì nhân đôi. Như vậy, người lao động ngoài Nhà nước mới yên tâm về lương hưu” - ông Thục đề xuất.

Đồng tình với ông Thục, bà Hoàng Thị Thanh (48 tuổi) - công nhân cắt vải tại Nam Định cũng thấy tiếc nuối với số tiền đóng bảo hiểm bắt đầu từ năm 2007.

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội của bà Thanh năm 2007 chỉ có 710.000 đồng/tháng. Ảnh: NVCC.

“Năm 2007, tôi đóng bảo hiểm xã hội chỉ hơn 700.000 đồng. Hồi đó, 700.000 đồng đủ ăn cả tháng cho gia đình, bây giờ chỉ ăn được vài ba ngày là hết. Tại sao lại lấy mức này để tính bình quân lương hưu đảm bảo cuộc sống hiện tại khi mà giá cả đã tăng cả chục lần?" - bà Thanh trăn trở.

Cách tính lương hưu bất cập này khiến bà Thanh ước rằng bản thân còn trẻ, chỉ khoảng 35 tuổi. Bởi nếu còn trẻ, bà sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần, sau đó đóng lại từ đầu mà vẫn an tâm có lương hưu cao khi về già.

Trao đổi với Lao Động, bà Thanh cho rằng nên áp dụng cách tính lương hưu giống với lao động trong khu vực Nhà nước. Tức là chỉ tính 10 năm cuối tham gia bảo hiểm xã hội. Với 10 năm cuối, số tiền đóng của bà Thanh khá cao đồng nghĩa lương hưu cũng tăng lên đáng kể.

Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương hưu hằng tháng của người lao động ngoài Nhà nước được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu (từ 45 đến 75%) nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội từ khi tham gia đến khi kết thúc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn