MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không khó để bắt gặp cảnh người lao động tìm việc đầu năm. Ảnh: Hạnh Phương

Lao động lớn tuổi chật vật tìm việc

LƯƠNG HẠNH LDO | 01/03/2023 09:54

Thời điểm đầu năm, không khó để bắt gặp cảnh lao động với tập hồ sơ xin việc trên tay, đứng trước bảng tuyển dụng tại các khu công nghiệp. Công nhân càng lớn tuổi càng khó để tìm được một công việc có mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng, thường xuyên “được” tăng ca.

Nỗi khó khăn chung

Dãy trọ gần Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) nơi chị T.T.T (SN 1980, Phú Thọ) sinh sống có 8 phòng trọ thì chỉ 3 phòng đã có công nhân sinh sống, 5 phòng còn lại vẫn đóng cửa. Theo chị T, lý do các công nhân này chưa quay trở lại khu công nghiệp là bởi vì công ty của họ cho công nhân nghỉ việc, hưởng 70% lương cơ bản.

“Công nhân ở bên cạnh phòng tôi có hai cháu nhỏ, để ở quê cho ông bà chăm. Hiện tại, công ty chị ấy cho công nhân nghỉ việc hưởng 70% mức lương cơ bản, chưa được đến 4 triệu đồng/tháng nên chị chưa quay lại đây. Công ty của tôi không bị giảm việc nhưng công nhân không được tăng ca, ai cũng đang trong thời kỳ khó khăn” - chị T tâm sự.

Với chị T, tuy không phải lao động bị nghỉ việc hoặc giảm giờ làm nhưng cuộc sống của chị cũng rất vất vả. Là lao động chính trong gia đình, mọi chi phí từ tiền trọ, tiền học phí của con đều đổ lên đôi vai của chị T. Với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, chị T phải “chia 5 xẻ 7” để lo toan đầy đủ các khoản chi trong gia đình. Dù chán việc, mong muốn được tăng ca nhưng chị T không dám xin nghỉ việc. Chị lo ngại sẽ không tìm được công việc với mức thu nhập khá hơn trong bối cảnh nhiều công ty khan hiếm đơn hàng, gặp nhiều khó khăn.

Chật vật xin việc

Cầm tập hồ sơ xin việc trên tay, chị Đặng Thị Hoàng Mai (SN 1977, Yên Bái) chờ làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Chị Mai làm công nhân của một công ty xuất khẩu đồ thủy tinh trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) được 7 năm.

Tháng 12.2022, chị Mai và nhiều công nhân khác tại công ty nhận thông báo nghỉ việc, hưởng 75% mức lương cơ bản. “Mỗi tháng nhận về chưa được 4 triệu đồng tiền lương, tôi không biết phải chi tiêu sao cho hợp lý. Nghỉ Tết xong tôi mới quyết định xin nghỉ và tìm công việc mới. Nhưng hầu hết các công ty đều yêu cầu độ tuổi lao động từ 18 đến dưới 30. Tôi đã quá độ tuổi đó nên rất khó xin được việc” - chị Mai cho hay.

Chị Mai là mẹ đơn thân, con gái học lớp 9, nỗi lo về các khoản học phí của con thôi thúc chị tìm đến công việc mới, thu nhập khá hơn. Nếu không thể tìm được công việc phù hợp, chị Mai dự định sẽ xin vào những nơi tuyển dụng lao động chân tay với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. 

Bà Trần Thị Thanh Hà - Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết, trong số lao động bị ảnh hưởng có hơn 491.000 người giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương; 7.000 người tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 48.600 người mất việc. Lao động trong doanh nghiệp FDI chiếm 75% tổng số người bị ảnh hưởng, tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam.

Trong số doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, có 16 công ty nợ gần 74,3 tỉ đồng tiền lương của lao động với mức nợ bình quân 12,4 triệu đồng mỗi người. So với năm 2021, số doanh nghiệp, lao động và tiền nợ năm 2022 giảm, nhưng mức nợ bình quân lại tăng 1,3 lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn