MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Làn sóng cắt giảm nhân sự khiến lao động lớn tuổi như bà Hằng có chút lo lắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lao động lớn tuổi học nghề để ứng phó với cắt giảm nhân sự

Mỹ Ly LDO | 27/10/2023 14:09

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng dẫn đến giãn, giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm nhân sự. Điều này khiến không ít lao động lớn tuổi thấp thỏm không yên, lo lắng bản thân có thể bị sa thải. Để an tâm, họ đã chủ động học nghề.

Thấp thỏm trước làn sóng cắt giảm nhân sự

Trong cảnh vật giá leo thang, đồng lương bấp bênh, thắt chặt chi tiêu là điều mà gia đình bà Hằng (công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) duy trì suốt mấy tháng nay. “Đi chợ món nào cũng lên giá, trong khi thu nhập không còn như trước. Muốn mua gì cũng phải đắn đo suy nghĩ làm sao đủ dinh dưỡng cho gia đình nhưng phải vừa túi tiền để không thiếu trước hụt sau” - bà Hằng nói.

Tuy nhiên, điều khiến nữ công nhân này lo lắng hơn là làn sóng cắt giảm nhân sự: “Doanh nghiệp khó khăn thì việc cắt giảm lao động rất khó tránh khỏi, nhất là khi tôi đã ngoài 50 - độ tuổi không còn nhiều sức khỏe và sự nhanh nhẹn như người trẻ, dễ là đối tượng bị nhắm đến trước hết”.

Ngoài 40 tuổi, chị Chưa (công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) cũng đang hết sức gói ghém chi tiêu trong gia đình để đủ trang trải với đồng lương eo hẹp. “Giờ đến chợ công nhân cũng tăng giá các mặt hàng. Hôm trước tôi mua 0,5kg cá giá 36.000 đồng, 2 hôm sau ghé hỏi đã lên 40.000 đồng, bình gas 12kg giờ đã 370.000 đồng, cao hơn 2 tháng trước những 40.000 đồng. Trong khi đó, đồng lương mấy tháng liền đều giảm chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng” - chị Chưa kể lại.

Cùng với việc ngày ngày tính toán, tiết kiệm chi tiêu, nữ công nhân đã ngoài 40 tuổi này cũng canh cánh nỗi lo bị bỏ lại phía sau nếu khó khăn của công ty kéo dài. “Công ty đang cố gắng duy trì sản xuất để công nhân có việc làm. Điều này làm chúng tôi cảm thấy an ủi. Tuy nhiên, tình hình thiếu đơn hàng vẫn còn kéo dài, lao động bắt đầu bị cắt giảm. Những nữ công nhân lớn tuổi như chúng tôi rất lo lắng bởi càng lớn tuổi sức khỏe càng khó đáp ứng yêu cầu công việc” - chị Chưa tâm sự.

Có nghề sẽ an tâm hơn

Mấy tháng trước, chị Chưa chọn nhận đồ về nhà may gia công lúc công ty ít việc. Theo chị Chưa, việc nhận may gia công dù thù lao không quá cao nhưng giúp chị có thêm một nguồn thu nhập. Quan trọng hơn, công việc này không ràng buộc thời gian nên chị có thể tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái...

Tuy nhiên, thời gian gần đây, nữ công nhân này đã quyết định sẽ học nghề: “Giờ làn sóng cắt giảm lao động vẫn chưa kết thúc. Nếu lỡ không may thất nghiệp thì ở độ tuổi của mình tôi e muốn tiếp tục làm công nhân nữa cũng rất khó. Cho nên, tôi quyết định sẽ tham gia lớp học may. Bởi tôi biết may sẵn, nay học sâu hơn sẽ có một cái nghề phòng thân. Nếu lỡ thất nghiệp, tôi có thể mở tiệm nhận đồ về may vì nhà cũng có sẵn máy may”.

Hơn năm 50 tuổi, bà Hằng không định đi học nghề, phần vì tốn chi phí phần vì ngại tuổi tác. Tuy nhiên, được sự ủng hộ của con cái, nữ công nhân này đã thay đổi ý định. “Tôi từng có suy nghĩ nếu không may thất nghiệp, bản thân sẽ sống dựa vào khoản trợ cấp thay vì học nghề do đã có tuổi. Nhưng con gái (làm chung công ty với bà Hằng) đã động viên tôi tham gia học nghề làm bánh ngọt với cháu. Sau này, có thể ở nhà làm bánh bán, không cần lo lắng bị thất nghiệp. Cho nên, tôi đã đồng ý với cháu” - bà Hằng chia sẻ.

Bà Hằng cũng cho biết thêm, với quyết định này, bà vừa tranh thủ lúc rảnh rỗi học thêm được một cái nghề, vừa có thể không cần trăn trở suy nghĩ chuyện bị sa thải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn