MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo ILO, ngành du lịch tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn (ảnh minh hoạ). Ảnh: Hương Giang

Lao động ngành du lịch Châu Á – Thái Bình Dương tổn thất việc làm, giờ làm

Kiều Vũ LDO | 21/11/2021 11:55
Ngành du lịch Châu Á – Thái Bình Dương lao đao vì mất việc làm, chất lượng công việc giảm sút và gia tăng chuyển dịch theo hướng phi chính thức. Đó là một trong những đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong Nghiên cứu về tác động của COVID-19 tới việc làm trong ngành du lịch tại Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Tổn thất thời giờ làm việc trong ngành du lịch cao hơn nhiều ngành khác

Một nghiên cứu do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện đã xác nhận tác động quá lớn mà đại dịch COVID-19 gây nên đối với việc làm trong ngành du lịch ở Châu Á và Thái Bình Dương. Bằng chứng từ năm quốc gia có sẵn dữ liệu - Brunei Darussalam, Mông Cổ, Philippines, Thái Lan và Việt Nam – cho thấy mức tổn thất việc làm trong các ngành liên quan đến du lịch trong năm 2020 cao hơn gấp bốn lần so với các ngành khác.

Gần một phần ba tổng số việc làm bị mất có liên quan đến ngành du lịch, trong đó ước tính chỉ riêng năm quốc gia kể trên đã mất 1,6 triệu việc làm liên quan đến du lịch. Tính cả rất nhiều việc làm liên quan gián tiếp liên quan đến ngành này, ước tính mức tổn thất việc làm thực tế liên quan đến ngành du lịch do đại dịch COVID-19 gây ra trong khu vực có lẽ còn cao hơn nhiều.

Ở những nơi mà số lượng việc làm liên quan đến du lịch giảm khá ít, chất lượng của những công việc hiện có vẫn giảm rõ rệt. Lao động nữ dường như bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do phụ nữ tham gia với số lượng ngày càng lớn hơn vào các công việc phục vụ ăn uống, là những công việc được trả lương thấp nhất trong ngành du lịch.

Năm 2020, Philippines là nước ghi nhận mức tổn thất việc làm và sụt giảm thời giờ làm việc lớn nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc làm trong ngành này giảm 28% (so với mức giảm 8% của các ngành không liên quan đến du lịch) và số giờ làm việc trung bình giảm 38%. Lao động trong ngành liên quan đến du lịch không làm việc giờ nào mỗi tuần tăng gấp hai nghìn lần (tác động đến 775.000 lao động). Ngành du lịch ở Brunei Darussalam bị ảnh hưởng nặng nề, cả ở khía cạnh giảm việc làm và giảm số giờ làm việc, với mức giảm lần lượt là hơn 40% và gần 21%. Đây cũng là nước ghi nhận sự chênh lệch lớn nhất giữa mức tổn thất việc làm trong ngành du lịch và các ngành khác không thuộc du lịch.

Nhân viên không có thu nhập, công ty vẫn hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội

Tại Việt Nam, Nghiên cứu của ILO chỉ rõ hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tới ngành du lịch chủ yếu thể hiện ở khía cạnh giảm tiền lương và gia tăng tình trạng phi chính thức. Tiền lương trung bình trong ngành du lịch giảm gần 18%, trong đó tiền lương của lao động nữ còn giảm nhiều hơn, ở mức gần 23%. Trong khi số lao động phi chính thức trong ngành du lịch tăng 3% trong năm 2020, số lượng lao động chính thức giảm đến 11%.

Bà Sara Elder - chuyên gia kinh tế cao cấp của ILO, tác giả chính của Nghiên cứu phân tích: Công cuộc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian và những lao động và doanh nghiệp trong ngành du lịch bị ảnh hưởng sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ để bù đắp những khoản thu nhập bị mất và bảo toàn tài sản của họ. Các chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ, đồng thời nỗ lực triển khai tiêm vaccine cho mọi người dân và cả lao động di cư.

Ông Trần Văn Xuân – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mai dịch vụ Travelive Việt Nam (áo vàng) - trong một lần dẫn khách đi tour. Ảnh: NVCC 

Trao đổi về làm thế nào để giảm bớt khó khăn cho ngành du lịch tại Việt Nam, ông Trần Văn Xuân – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Travelive Việt Nam – kiến nghị hiện trong tình hình bình thường mới, cần có chính sách đồng bộ giữa các địa phương về phòng, chống dịch để các đoàn khách đến tham quan, du lịch được thuận lợi, tránh mỗi nơi một quy định về điều kiện cách ly, xét nghiệm. Ví dụ, có địa phương chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine, có địa phương ngoài 2 mũi vaccine yêu cầu có thêm kết quả test PCR. Bên cạnh đó, hàng không và khách sạn nên có sự chia sẻ nhiều hơn nữa với các Công ty du lịch trong việc hoàn vé, trả tiền đặt cọc. Kiến nghị này được đưa ra từ thực tế của Công ty. Sau khi khách đã ký hợp đồng, Công ty tiến hành mua vé máy bay, đặt cọc với khách sạn. Vì diễn biến dịch, khách huỷ hoặc hoãn tour, lúc đó vé máy bay giá rẻ thì không được hoàn huỷ; khách sạn cũng giữ lại tiền cọc để khấu trừ khi nào Công ty có đoàn sử dụng dịch vụ của họ. Công ty đứng giữa phải chịu cả.

Đối với Công ty Cổ phần Thương mai dịch vụ Travelive Việt Nam, có 12 tháng dừng hoạt động, nhân viên không có thu nhập nhưng Công ty vẫn hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội. Thời điểm này, đã bắt đầu có khách nhưng những khó khăn nói trên vẫn ảnh hưởng không nhỏ đến Công ty và nhân viên.

Trở lại Nghiên cứu của ILO, Nghiên cứu chỉ rõ ngay cả khi mở cửa biên giới trở lại, dự báo lượng khách du lịch quốc tế trước mắt vẫn sẽ thấp. Vì vậy, chính phủ các nước có thế mạnh về du lịch có thể phải tìm cách đa dạng hóa kinh tế hơn nữa nhằm mục tiêu tạo thêm cơ hội việc làm mới trong những ngành không liên quan đến du lịch.  

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn