MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều doanh nghiệp chọn lao động nước ngoài ở vị trí quản lý trong lĩnh vực bán lẻ.

Lao động ngoại "hớt" việc ngon

Hải Đăng LDO | 03/10/2017 11:50
Lao động trong lĩnh vực bán lẻ vẫn thu hút lượng lớn người lao động do tính chất công việc đòi hỏi sáng tạo, năng động tuy nhiên, các vị trí trung, cao cấp với mức lương cao đang rơi vào tay lao động nước ngoài.

Theo khảo sát của Navigos Group, trong lĩnh vực bán lẻ có sự dịch chuyển lao động trong khu vực dẫn đến sự cạnh trạnh mạnh mẽ hơn từ ứng viên nước ngoài. 50% doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng cho biết hiện nay họ có chính sách tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao nước ngoài. Chính sách này cho thấy, ngay ở phía các doanh nghiệp đã tạo rào cản lớn cho những lao động trong nước muốn ứng tuyển.

Về phía người lao động, 46% cho rằng công việc của họ đang gặp phải sự cạnh tranh từ ứng viên nước ngoài. Trong đó, về năng lực của ứng viên nước ngoài, 33% lao động tham gia khảo sát cho rằng ứng viên từ Châu Âu giỏi nhất trong ngành bán lẻ; 26% đánh giá cao năng lực của ứng viên đến từ Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc); 22% nghĩ rằng ứng viên thuộc khu vực Đông Nam Á là giỏi nhất trong ngành này.

Tuy ngành bán lẻ từ trước tới nay duy trì được sức hút rất lớn nhưng tính chất công việc lại luôn đòi hỏi sáng tạo và cực kỳ năng động. Không chỉ vậy, bản thân những doanh nghiệp, đơn vị muốn tuyển lao động ngành này cũng gặp khó khăn khi tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao.

Cụ thể, 28% nhà tuyển dụng cho rằng người lao động không cam kết làm việc lâu dài và thường xuyên thay đổi công việc; 49% doanh nghiệp, đơn vị cho biết, lao động trong ngành này hay dao động khi đối thủ cùng ngành tiếp cận và mời họ làm việc. Cũng theo khảo sát trên thì, 60% lao động tham gia khảo sát chia sẻ, thời gian làm việc trung bình tại một công ty của họ chỉ từ 2 – 3 năm.

Ngoài ra, trong ngành bán lẻ, văn hóa doanh nghiệp được ứng viên quan tâm hàng đầu trong khi vẫn còn nhiều nhà tuyển dụng coi nhẹ. 99% ứng viên ngành bán lẻ tham gia khảo sát cho biết, họ quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp thông qua môi trường làm việc (30%), yếu tố con người (33%), tầm nhìn của doanh nghiệp (29%).

Trong khi đó, ở phía doanh nghiệp, mặc dù có 51% nhà tuyển dụng coi sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc khi tuyển dụng, thì cũng có tới 40% nhà tuyển dụng còn lại cho biết việc ứng viên chưa phù hợp văn hóa doanh nghiệp cũng không phải là vấn đề lớn.

Liên quan lý do chuyển việc gần nhất, những lao động tham gia khảo sát cho rằng nguyên nhân vì lương thưởng không như ý (22%); thăng tiến chậm hoặc không có (16%), 29% các ứng viên cho biết việc không phù hợp với phong cách của người quản lý trực tiếp là lý do hàng đầu khiến họ nghỉ việc nhiều nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn