MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động nữ rút bảo hiểm xã hội 1 lần do không thể làm việc đến tuổi nghỉ hưu

Nhóm phóng viên LDO | 27/03/2024 11:24

Một số người lao động nêu lý do rút bảo hiểm xã hội 1 lần là do tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài, họ không thể làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đến tuổi này.

Bà Ngô Thị Liên - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội - nêu thông tin tại hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ. Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 27.3.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo bà Liên, qua tìm hiểu của Công đoàn các Khu công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội, lý do một số công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần là do họ nghe thông tin nếu đóng quá 19 năm sẽ không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần nữa. Một số người lao động khác cho rằng: Tuổi hưu đủ 60 tuổi của nữ và đủ 62 tuổi đối với nam là quá dài, họ không thể làm việc và đóng bảo hiểm xã hội đến tuổi này.

“Do từ 45 tuổi trở đi, sức khỏe của họ giảm dần, độ linh hoạt và khả năng hoàn thành công việc, sản lượng sản phẩm được doanh nghiệp giao rất hạn chế. Từ đó, đa phần họ đã rời thị trường lao động công nghiệp, không tham gia tiếp tục bảo hiểm xã hội được nữa nên nhu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần là đương nhiên” - bà Liên thông tin.

Bà Ngô Thị Liên – Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp – Khu chế xuất Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Ngoài ra, vẫn theo Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội, một số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội chưa đủ số năm để hưởng lương hưu, xác định không tiếp tục đi làm đóng bảo hiểm xã hội nữa, họ chủ động rút bảo hiểm xã hội 1 lần để đầu tư hoặc trang trải cuộc sống, phát triển kinh tế...

Bà Liên nói, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc đối mặt với tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình và thị trường lao động. Rút bảo hiểm xã hội một lần có nhiều hệ lụy, như khó mở rộng lưới an sinh. Ngoài ra, một số lao động nữ khi rút bảo hiểm xã hội một lần dễ nảy sinh tâm lý ở nhà nội trợ, sẽ làm tăng gánh nặng kinh tế cho người chồng. Bản thân người phụ nữ có thể đối mặt với nhiều căng thẳng khi không đi làm nữa, gây tác động tiêu cực đến xã hội.

Bà Liên kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cần dung hòa lợi ích giữa chính sách và nguyện vọng của người lao động để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; cần có quy định tăng chế độ chính sách của bảo hiểm xã hội nhằm giữ người lao động tham gia, thay vì hạn chế quyền rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

Ngoài vấn đề bảo hiểm xã hội một lần, các ý kiến tại hội thảo tập trung về chính sách về thai sản của lao động nữ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, ngoài những nội dung chung, những quy định đặc thù cho nữ, bảo vệ nữ, đảm bảo bình đẳng giới là rất quan trọng, nhất là vấn đề về thai sản, nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội 1 lần.

“Theo thống kê, số người rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là nữ. Đối tượng không được thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội chủ yếu là nữ. Hay nói cách khác, lao động nữ tiếp tục là đối tượng dễ bị tổn thương trong phạm vi của đạo luật này. Vì vậy, việc góp ý các vấn đề liên quan đến quyền của lao động nữ là hết sức cần thiết, từ đó đề xuất các quy định đảm bảo tính khả thi, đảm bảo bình đẳng giới, thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ” - ông Hiểu nói.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Hiểu cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, nên việc xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội phải bám theo mục tiêu này, đảm bảo đạo luật hiện đại, tiến bộ, công bằng, khả thi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn