MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm đến hoạt động CĐ và phong trào CNVCLĐ thuộc tổ chức CĐ Hà Tĩnh.Ảnh: ÁI CHI

Lao động nữ tại tỉnh Hà Tĩnh: Chiếm trên 50%, nhưng chính sách... chưa theo kịp

ÁI CHI LDO | 19/10/2018 06:54

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có gần 50.000 nữ là chủ hộ kinh doanh cá thể, trên 5.000 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và hàng nghìn chị em là thành viên sáng lập, góp vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Mặc dù vậy, chế độ chính sách đối với lao động nữ trên địa bàn tỉnh còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục được quan tâm, sớm khắc phục.

Chất lượng nguồn lực lao động nữ ngày càng cao

Tại Hà Tĩnh, lực lượng lao động (LĐ) nữ chiếm tỉ lệ 51,20%; toàn tỉnh hiện có 6.306 doanh nghiệp (DN), chi nhánh, văn phòng, hiện đang sử dụng 80.263 người, trong đó LĐ nữ là 23.822 người, chiếm 29,86%. Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh - nói rằng vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và minh chứng bằng những con số cụ thể: Toàn tỉnh có gần 50.000 nữ là chủ hộ kinh doanh cá thể, trên 5.000 mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và hàng nghìn chị em là thành viên sáng lập, góp vốn của các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác. “Số DN do phụ nữ làm lãnh đạo đã tăng từ 10% năm 2015 lên 16,5% năm 2017. Song song với đó, chất lượng nguồn nhân lực nữ ngày càng được nâng cao, đến nay, toàn tỉnh có 8/39 nữ tiến sĩ (chiếm 20,5%); 464/1.333 nữ thạc sĩ (chiếm 34,81%); hằng năm, tỉ lệ học sinh nữ trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chiếm 54% tổng số học sinh trúng tuyển” - ông Danh tự hào.

Tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều sự quan tâm, đầu tư nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhiều chế độ ưu đãi đối với LĐ nữ: Trong vòng 10 năm qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 292.000 người, trong đó 50,1% là nữ, hỗ trợ trên 91.000 lượt chị em vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền 2.400 tỉ đồng. Đặc biệt, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn (CĐ) trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của người LĐ, đặc biệt là LĐ nữ, các cấp CĐ đã thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) nữ như CLB nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, CLB nữ lãnh đạo quản lý. Hằng năm, toàn tỉnh thành lập mới và duy trì, củng cố hàng trăm CLB do nữ quản lý; bên cạnh đó, tổ chức CĐ các cấp đã phát huy tốt nguồn Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo”, hằng năm giúp hàng chục lượt gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Đây chính là cú hích góp phần tạo động lực để nữ đoàn viên, CNVCLĐ khẳng định mình, vươn lên nắm vai trò trọng yếu trong cộng đồng, xã hội.

Quyền của lao động nữ vẫn bị vi phạm

Ông Phạm Mạnh Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, quá trình nắm bắt chế độ chính sách đối với LĐ nữ trên địa bàn đã cho thấy còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục được quan tâm, sớm khắc phục. Quyền của LĐ nữ trong tuyển dụng, đào tạo, ký kết hợp đồng lao động thường bị vi phạm dưới hình thức những quy định mang tính ngoại lệ như ưu tiên tuyển LĐ nam. Ngay cả đối với DN cần tuyển LĐ nữ thì việc tuyển dụng đối tượng này vẫn bị vi phạm, bởi họ chỉ tuyển dụng LĐ nữ theo quy định riêng của DN. Ví dụ “Chỉ tuyển LĐ nữ đã có con” hoặc “công nhân nữ phải cam kết sau 3 năm làm việc mới được sinh con”… DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, bởi vậy việc bố trí quỹ đất để xây dựng khu vệ sinh, buồng tắm đảm bảo vệ sinh cho nữ CNLĐ trên thực tế hầu như rất ít DN thực hiện được; thậm chí, điều kiện môi trường làm việc chậm cải thiện, chưa đạt chuẩn mực, chế độ nghỉ dưỡng sức hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ, tinh thần của LĐ nữ.

Đề án 404 của Chính phủ là hành lang pháp lý quan trọng trong việc giúp LĐ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được tạo điều kiện, hỗ trợ để chăm sóc con tốt hơn. Đề án nêu rõ mục tiêu: “Hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ CNLĐ có con dưới 36 tháng tuổi”. Mặc dù vậy, hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có 1 DN có nhóm trẻ đang hoạt động tại DN (Cty CP May Hà Tĩnh), trong khi đó số trẻ dưới 36 tháng tuổi chưa được gửi tại cơ sở trông giữ trẻ là 1.104 cháu. Thêm vào đó, quy định xét hồ sơ để gửi trẻ tại cơ sở mầm non công lập thông qua việc ưu tiên hộ khẩu thường trú của trẻ cũng gây ra không ít khó khăn cho LĐ nữ làm việc xa nhà. Điều này đẩy người phụ nữ phải tự tìm ra lời giải cho bài toán khó: Chọn gần con để có cơ hội chăm sóc, nuôi dạy hay xa con để có cơ hội việc làm?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn