MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Lương Hạnh

Lao động thất nghiệp không mặn mà học nghề

LƯƠNG HẠNH - QUỲNH CHI LDO | 30/06/2023 07:36

Đa số lao động phổ thông, lao động giản đơn sau khi mất việc đều có cuộc sống rất khó khăn. Họ thường quan tâm đến trợ cấp thất nghiệp, tìm việc làm thay thế thay vì chọn phương án học nghề, tính kế lâu dài.

Mải lo cuộc sống trước mắt

Bắt đầu từ tháng 9.2022 đến giữa tháng 12.2022, anh Hồ Văn Nghĩa - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) không được tăng ca, làm thêm, thường xuyên bị giảm giờ làm.

Tháng 1.2023, anh Nghĩa quyết định xin nghỉ việc và đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp; anh cũng mong mỏi tìm kiếm công việc làm mới, ổn định hơn. “Sau khi nghỉ việc tại công ty cũ tôi cũng tìm kiếm một vài công việc làm mới nhưng chưa có việc nào phù hợp. Thời gian vừa qua tôi đi giao hàng, chạy xe ôm… để trang trải cuộc sống” - anh Nghĩa tâm sự.

Anh Nghĩa cho rằng, với lao động phổ thông cuộc sống còn nhiều khó khăn, rất cần có công việc kiếm ra thu nhập. Nếu thay thế thời gian đi làm bằng đi học nghề sẽ khiến cuộc sống của họ càng mệt mỏi, áp lực hơn.

Theo các báo cáo, dù lượng lao động bị mất việc lớn, và có nguy cơ còn tăng khi các doanh nghiệp chịu sức ép giảm sản lượng sản xuất do nhu cầu thế giới xuống thấp. Thế nhưng, tỉ lệ người lao động tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ học nghề vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 4-5% tổng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trên 60% là lao động giản đơn

Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 28.6, ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm - nhận định: Trên 60% người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn. Hiện Việt Nam chỉ có hơn 26% lao động đã qua đào tạo, nhiều lao động chưa có kĩ năng số dù kinh tế đã trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ.

Ông Liễu chỉ ra nguyên nhân lao động mất việc nhưng không mặn mà với việc học nghề để nâng cao kĩ năng lao động hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.

“Phần lớn người thất nghiệp và đang hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, lao động giản đơn, hầu như không có thu nhập dự trữ. Khi bất ngờ bị cắt giảm việc làm, họ sẽ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp mà quên quyền lợi được hỗ trợ đào tạo nghề” - ông Liễu cho hay.

Với chính sách hiện nay, người lao động được hỗ trợ thời gian học nghề thực tế nhưng không quá 6 tháng. Mức hỗ trợ được tính theo mức thu học phí của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa (đối với khóa đào tạo đến 3 tháng); không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (đối với khóa đào tạo trên 3 tháng).

Nhằm tăng tính quản trị rủi ro, chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Trong đó, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tập trung hơn vào các biện pháp chủ động phòng ngừa thất nghiệp cho lao động.

Bằng cách giúp kết nối cung - cầu lao động, tạo ra việc làm đầy đủ, tập trung phát triển lao động có kĩ năng cao, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại do yêu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; tạo ra sự liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để xác định đúng nhu cầu doanh nghiệp, chất lượng đào tạo, hoạt động của quỹ sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động hiệu quả nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn