MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động thất nghiệp ngủ gầm cầu, phải bán điện thoại để mua cơm ở Hà Nội

Tùng Giang LDO | 14/08/2021 16:50

Từ ngày Hà Nội giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người lao động bị mất việc làm, không có tiền và không thể về quê. Họ phải sống vất vưởng nhiều nơi, thậm chí dưới gầm cầu đường Vành đai 3, đối diện bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm).

Bán điện thoại mua cơm

Gần đây, gầm cầu đường Vành đai 3 trở thành “nhà” của nhiều lao động tự do mất việc làm. Họ đa phần là người dân tộc đến từ các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Điện Biên, Tuyên Quang hay Nghệ An.

Trên bãi đất lổn nhổn gạch đá dưới gầm cầu, anh Lý Văn Lơ (sinh năm 1986, dân tộc Khơ Mú, tỉnh Điện Biên) trải một tấm đệm mỏng và ngồi nép lại cùng hai người trong nhóm. Anh Lơ cho biết, nhóm anh gồm 8 người, tất cả đều là lao động thất nghiệp, không có xe nên không thể về quê.

Anh Lý Văn Lơ phải bán điện thoại để đổi cơm trong thời gian giãn cách xã hội.

Mới lên Hà Nội được 2 tháng hành nghề phụ xây. Công việc dù không mang lại thu nhập tốt nhưng đủ tiền cơm cháo, anh Lơ chẳng thể ngờ có ngày mình phải bán điện thoại mua cơm.

Theo lời kể, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách toàn xã hội, vì không có xe khách hoạt động, anh Lơ lang thang, đi bộ từ khu vực quận Hoàng Mai đến nhiều địa điểm, cuối cùng đến bến xe Mỹ Đình trong tình trạng “không xu dính túi”.

Anh Lơ ôm chiếc đệm mà anh coi là giá trị nhất thời điểm này của mình. Ảnh: TG

“Tôi đi bộ tìm chỗ ở trong nhiều ngày. Vì không có tiền nên đành phải bán chiếc điện thoại lấy 500 nghìn đồng mới có thể mua cơm. Giờ hết tiền, không có gì để bán nữa, thi thoảng vẫn có nhà hảo tâm cho thực phẩm”, anh Lơ nói.

Có hoàn cảnh tương tự, anh Lò Văn May (21 tuổi, thị trấn Sông Mã, tỉnh Sơn La) cũng phải cắm chiếc điện thoại cọc cạch với giá 100.000 đồng để sống qua ngày.

Nhiều người lao động bị mất việc làm, không có tiền và không thể về quê. Ảnh: TG

Anh May sống ở đây nhưng bố mẹ không biết. Mấy ngày nay, không có điện thoại nên anh cũng chưa thể liên lạc về với gia đình.

"Cuộc sống ở quê khó khăn nên đành ra Hà Nội làm thợ xây được 8 tháng nay. Mỗi ngày công được 250.000 đồng và hằng tháng đều tích cóp gửi về cho gia đình. Do dịch bệnh nên tôi thất nghiệp, không có tiền tiêu, chỗ ở nên đành phải ra đây ngủ tạm”, anh May cho hay.

Người nghèo gặp kẻ cắp

Cũng trong nhóm lao động này, anh Hoàng Văn Cương (quê huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cùng bạn gái Trịnh Thị Tòng (26 tuổi) sống vất vưởng ở nhiều nơi và quanh cổng bến xe Mỹ Đình trong thời gian mất các công trình xây dựng dừng hoạt động.

Anh Hoàng Văn Cương (giữa) cùng bạn gái Trịnh Thị Tòng sống vất vưởng nhiều ngày dưới gầm cầu Vành đai 3. Ảnh: TG

Theo anh Cương, khu lán trại công trình không cho công nhân ở lại, vì vậy anh và chị Tòng không biết đi đâu về đâu. Cả hai không thuê được nhà nghỉ nên cuối cùng ở dưới chân cầu vượt Vành đai 3.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi trong lúc ngủ, anh Cương và bạn gái đã bị kẻ gian móc mất điện thoại cùng số tiền tiết kiệm hơn 3 triệu đồng. Cứ thế, cả hai sống nhờ tình thương qua những suất cơm từ thiện. Đêm xuống thì nằm trên tấm gỗ, mắc màn vào gốc cây ngủ, ngày vật vờ, tắm rửa sinh hoạt nhờ nhà vệ sinh công cộng của bến xe.

Gầm cầu Vành đai 3 (khu vực bến xe Mỹ Đình). Ảnh: TG

“Hai chúng tôi chưa tích góp được bao nhiêu đã mất trắng. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua đi, hết giãn cách xã hội để chúng tôi tiếp tục được đi làm. Nếu không có việc thì sẽ về quê trồng ngô, khoai”, anh Cương bộc bạch.

Nhóm người lao động mất việc làm được các nhà hảo tâm tìm chỗ ở mới. Ảnh: TG

Liên quan đến các trường hợp trên, Thiếu tá Vũ Khánh - Trưởng Công an phường Mỹ Đình 2 cho biết, đơn vị đã kết hợp cùng một số đơn vị thiện nguyện quan tâm, tặng quà động viên, sắp xếp chỗ ăn ở miễn phí trong thời gian giãn cách xã hội đối với các trường hợp này. Ngoài ra, phường Mỹ Đình 2 cũng sắp xếp đưa những người này đi xét nghiệm COVID-19.

Trong khi đó, ông Đỗ Thiện Đức - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam quận Nam Từ Liêm cho hay, nhóm lao động trên mới xuất hiện trên địa bàn.

Theo đó, nhóm người này là lao động tại các công trường trên địa bàn, họ về bến xe Mỹ Đình để về quê. Tuy nhiên do đang giãn cách xã hội nên xe khách không vận chuyển, do vậy nhiều người phải vạ vật quanh bến xe. Nhóm người lao động mà mạng xã hội đang chia sẻ mới về khu vực gầm cầu gần bến xe ngày hôm qua chứ không phải đã có từ lâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn