MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Văn Thành (53 tuổi, tỉnh Sóc Trăng - bên phải) lên TP.Cần Thơ mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo 6 năm nay. Ảnh: Tạ Quang

Lao động tự do - chưa nghĩ đến Tết!

TẠ QUANG LDO | 19/12/2021 10:04
Dịch COVID-19 tiếp tục quay trở lại khiến cuộc sống mưu sinh của người dân khó khăn gấp trăm lần. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhưng nhiều lao động tự do than thở: “Tiền ăn không có, nói gì đến Tết”.

Khó thêm khó khi dịch quay trở lại

UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản cập nhật, đánh giá dịch thành phố đang ở cấp độ 3. Đối với cấp quận, huyện có 7/9 đơn vị cấp độ 4. Khi thành phố ban hành cấp độ dịch COVID-19, hàng quán vắng bóng khách, người dân cũng hạn chế ra đường. Những người lao động tự do cũng không khỏi bàng hoàng khi việc lo miếng cơm manh áo của họ ngày càng thêm khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Chương (64 tuổi, quận Ninh Kiều) chia sẻ, ông bán vé số khoảng 20 năm nay. Hằng ngày, trên chiếc xe lăn cà tàng, ông rong ruổi mọi nẻo đường trung tâm thành phố Cần Thơ để bán vé số. Ông Chương cho biết, bán vé số dạo là công việc mưu sinh mà người ta lựa chọn khi không còn làm được việc gì khác. Bây giờ dịch bệnh khiến nhiều người thất nghiệp, họ không có gì làm nên số người rủ nhau đi bán vé số càng đông.

Chưa kể, những người bán vé số như ông phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời mua, nên người dân ngại tiếp xúc, phòng dịch bệnh. Trước kia mỗi ngày ông bán được khoảng 400 tờ vé số, giờ chỉ bán được gần 100 tờ/ngày.

Cách đây 2 năm, trong một lần đi lấy vé số về bán, ông Chương bị xe máy đâm gãy chân, khó di chuyển đành ngồi xe lăn bán vé số dạo. “Cuộc sống của tôi trở nên khó khăn hơn rất nhiều khi vợ và một đứa con của tôi đã mất, còn một đứa con gái đi làm ít khi có thời gian về thăm. Những lúc sinh hoạt tại phòng trọ, có một mình nên mọi thứ đều trở nên khó khăn...” - ông Chương chia sẻ.

Cũng là một lao động tự do, ông Trần Công Hoàng (55 tuổi, TP.Cần Thơ) cho hay, ông chạy xe ôm cách đây khoảng 30 năm nhưng chưa có năm nào khó khăn nhiều như năm nay bởi dịch bệnh tàn phá nghiêm trọng đến cuộc sống của ông cũng như nhiều người khác.

Nhìn dòng xe ngược xuôi, ông trầm tư nói, trước chưa dịch thì chạy xe kiếm được một ngày khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày, nhưng từ khi dịch bệnh quay trở lại giảm xuống còn khoảng 100.000 đồng/ngày là nhiều. Thậm chí, có khi  đến 2 ngày  rồi mà vẫn chưa chạy được chuyến nào.

Tiền ăn không có, nói gì đến Tết

Ông Hoàng lắc đầu khi được hỏi về Tết Nguyên đán sắp tới, ông cho rằng, để có một cái Tết gọi là tươm tất đối với những người lao động tự do như ông vào thời điểm này là ước mơ xa xỉ.

“Bình thường đã khó khăn nay lại thêm dịch bệnh. Tiền ăn còn không có thì lo gì đến Tết. Với tình hình này thì không trông mong gì Tết cả. Dù là ngày nắng, mưa hay Tết Dương, Tết Âm lịch tôi cũng không nghỉ chạy xe một ngày nào. Năm nào cũng thế và năm nay cũng vậy, phải đi chạy thì mới có tiền trang trải cuộc sống” - ông Hoàng trầm tư lặng nhìn dòng xe.

Cùng chung nỗi lo không Tết, ông Lê Văn Thành (53 tuổi, tỉnh Sóc Trăng) lên TP.Cần Thơ mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo 6 năm nay chỉ biết thở dài, vì tiền trọ tháng 12 này và 4 tháng trước chưa trả thì không dám suy nghĩ đến Tết.

Ông Thành nói, năm nào cũng vậy, cứ ngày đưa ông Táo về trời là ông có mặt ở quê lo tảo mộ ông bà, cha mẹ cho tươm tất rồi lại quay lại thành phố tiếp tục bán vé số suốt dịp Tết. Theo ông, ngày Tết ai cũng cầu mong Thần Tài gõ cửa, nên bán được lắm, chịu khó chút cũng kiếm được một ít, bù vào những tháng ngày dịch bệnh không làm ăn được gì...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn