MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lao động tự do "khát" việc làm, nhặt nhạnh từng đồng mưu sinh qua ngày

ANH THƯ - LƯƠNG HẠNH LDO | 14/10/2021 12:45

Dù không còn phải chôn chân trong phòng trọ như những ngày giãn cách xã hội, song lao động tự do tại Hà Nội vẫn "khát" việc.

Ở lại thủ đô chờ việc

Vỏ chai, giấy vụn, nilon… chất đống vỉa hè đang được bà Trần Thị Liên (58 tuổi, quê ở Lý Nhân, Hà Nam) lấy ra để phân loại, chờ người thu gom đến.

Sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, bà Liên (thuê trọ tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) mới bắt đầu khởi động lại công việc đi thu mua phế liệu của mình.

Bà Liên mới trở lại công việc nhặt ve chai được vài buổi.

Bà Liên nhắc đi nhắc lại nhiều lần, số đồ này được bà tích từ trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, giờ mới có “cơ hội” được xử lý và mang đi bán lấy tiền mua rau, mua gạo.

Bàn tay vẫn thoăn thoắt phân loại, bà Liên kể đã xuống Hà Nội làm lao động tự do được 4 năm. “Ở quê khó khăn quá, đành xuống đây làm, kiếm vài chục nghìn trong ngày mua thức ăn” - bà Liên thở dài.

Trong quãng thời gian bươn chải tại thủ đô, chưa bao giờ bà lại rơi vào hoàn cảnh éo le như lúc này. Bà Liên kể: “Mấy tháng giãn cách chỉ ở trong nhà, không có việc làm nên chán phát phiền”.

Công việc này giúp bà có thu nhập trang trải cuộc sống. 

Mấy năm làm nghề này ở Hà Nội, bà Liên chỉ đủ ăn. Thu nhập được vài triệu mỗi tháng, trừ tiền ăn tiền trọ cũng chẳng còn là bao. Để tiết kiệm, bà cùng vài người khác thuê chung một phòng trọ nhỏ hẹp để ở.

Vừa qua, nhiều người trong dãy trọ của bà Liên đã về quê, chỉ còn 4-5 người quẩn quanh qua ngày. Bà Liên cũng tính đường về quê một thời gian. Song nghĩ lại chồng đã mất, con cái đi làm ăn xa, về nhà cũng chỉ thui thủi một mình, rồi đi lại mất mấy trăm nghìn tiền xét nghiệm, xe cộ... bà Liên cũng không đành lòng.

Thời điểm giãn cách ở Hà Nội, bà Liên sống qua ngày nhờ cơm từ thiện, gạo ủng hộ. Có khi gạo vơi dần cũng phải nấu cháo loãng ăn cho qua bữa.

Ngày được nới lỏng giãn cách, bà Liên mừng thầm trong bụng vì đã được đi làm, kiếm thêm trang trải cuộc sống. Song, chợ Long Biên - nơi bà chuyên thu gom phế liệu vẫn chưa hoạt động. Bà Liên mong dịch chóng qua để mọi thứ hoạt động được bình thường. Có thu nhập, bữa ăn của bà Liên có thêm chút rau, thịt qua ngày...

This browser does not support the video element.

Những người lao động này đã phải chật vật trong và sau thời gian giãn cách xã hội.

Không có tiền thuê trọ nên phải ở lều

Vài chiếc lều xanh, đỏ nằm trên vỉa hè tại phường Phúc Xá gây chú ý với chúng tôi. Một người phụ nữ tóc điểm bạc chui ra từ lều ngủ đang gói ghém túi đồ từ thiện - gạo, gia vị. Hỏi ra mới biết là bà Phạm Thị Bích (63 tuổi, Hưng Yên) nhưng có đến mấy chục năm nhặt ve chai ở Hà Nội.

Những chiếc lều mà người lao động tự do được mạnh thường quân tặng cho làm nơi trú ngụ. 

Không có tiền thuê trọ, bà Bích và chồng phải ngủ ở lán tạm ven đường. Nhiều nhà hảo tâm thương tình đã mua tặng ông bà lều ngủ. 

Bà Bích nói: “Thế này là lịch sự rồi, không bị mưa, không thấy nắng”. Ban ngày chỗ đó là nơi bán thịt, bán rau. Khi họ dọn hàng về, bà lại trải lều bạt, đồ đạc bát đũa để ăn, ngủ.

 Vợ chồng bà Bích sống nhờ vào lán bạt của người bán hàng trước đó suốt mùa dịch COVID-19.

Dù sức đã yếu, song bà Bích gắng gượng đi thu gom ve chai khắp những con phố, thu nhập 40.000-50.000 đồng/ngày. Khi dịch COVID-19 bùng phát, bà phải ngồi một chỗ, sống nhờ cơm từ thiện. 

Đồ dùng của vợ chồng bà Bích chỉ vỏn vẹn có mấy cái bát loa, 1 thùng nhựa để mua nước mang về...  
Chậu nước đục ngàu và được sử dụng nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng.
Chồng bà Bích đang chuẩn bị bữa cơm trưa bằng túi gạo, quả trứng vừa được các nhà hảo tâm trao tặng.

Bà Bích vô cùng trân trọng những món quà từ thiện lúc khó khăn này. Song bà nghĩ từ thiện chỉ chốc lát và “mình đi làm là chủ yếu” - bà Bích nói. Thế nên bà mong dịch sớm kiểm soát để có thể đi làm như những ngày thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn